"Việc đọc sách rất cần thiết và đáng khích lệ để nâng cao kiến thức, nhưng không nhất thiết chỉ là đọc sách. Thông thường, người thích đọc sách sẽ chọn lựa chủ đề sách phù hợp với mình, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin mà họ quan tâm.
Nhưng bên cạnh đọc sách, còn có nhiều kênh khác có thể giúp cung cấp thông tin xã hội một cách nhanh chóng, ngắn gọn xúc tích mà không bị nhàm chán, chẳng hạn: báo điện tử, tạp chí, podcast, truyền hình... Việc nắm bắt thông tin nhanh nhạy cùng các kỹ năng tự trau dồi sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người, mở ra góc nhìn rộng mở, hiểu biết nhiều lĩnh vực và từ đó có thể áp dụng vào công việc và đời sống một cách thực tế".
Đó là chia sẻ của độc giả PT xung quanh mục tiêu 'mỗi người đọc 10 cuốn sách mỗi năm' mà TP HCM đặt ra nhằm phát triển văn hóa đọc của người dân. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng các không gian mới dành cho sách. Trong đó, ba công trình mới phục vụ cho mục tiêu phát triển văn hóa đọc, thuộc hạng mục trọng điểm của Sở Thông tin và Truyền thông, sắp khởi công được đặt tại công viên quận Bình Tân, đường sách Nguyễn Đổng Chi (quận 7), Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông huyện Củ Chi.
Ở khía cạnh khác, bạn đọc Thịnh lại quan tâm đến vấn đề nội dung sách thay vì số lượng: "Quan trọng là sách gì, nội dung ra sao? Đọc sách quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Có người đọc vì yêu thích, có người đọc vì công việc, có người đọc vì nghiên cứu, có người không đọc nhưng họ học tập qua các ứng dụng và phương tiện thông tin khác cũng là một cách tốt để cập nhật kiến thức. Một điều quan trọng nữa là sách bây giờ xuất bản nhiều mà chất lượng lại chưa được kiểm soát tốt, nên muốn đọc một cuốn sách hay, phù hợp, tránh lãng phí thì người đọc phải cân nhắc và lựa chọn rất kỹ, chứ không thể chỉ chạy theo thành tích về số lượng".
>> Tôi đọc 50 trang sách mỗi ngày
Đồng quan điểm, độc giả Rom TT cho rằng, cần mở rộng khái niệm "đọc sách": "Chúng ta cần định nghĩa lại khái niệm 'đọc sách' sao cho phù hợp với điều kiện, phương tiện thông tin hiện đại ngày nay, chứ không nên chỉ hiểu là 'đọc sách giấy'. Mục đích chính là cung cấp thông tin, kiến thức bổ ích nên quan trọng nhất là cần sự hỗ trợ, định hướng, lựa chọn đúng nguồn tư liệu; còn phương tiện thì ngày nay có sách điện tử, sách nói, podcast, báo, tạp chí, TV, đài phát thanh... Tất cả đều có thể là nguồn tư liệu bổ ích, phong phú mà không gây nhàm chán như sách giấy, đáng được ủng hộ.
Tư liệu điện tử có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, giúp tra từ trực tuyến bằng bất cứ ngôn ngữ nào, có thể copy, lưu lại nội dung bổ ích một cách nhanh chóng; có thể thu, phóng chữ, hình ảnh tức thì để người đọc dễ xem, dễ tìm lại nội dung đã đọc trước đó; nguồn tư liệu điện tử cũng rất lớn, không cần diện tích chứa, ai cũng có thể luôn đem theo mình được... Tóm lại, 'đọc sách' không nên hiểu bó buộc là sách giấy truyền thống".
Trong khi đó, nói về câu chuyện giá sách, bạn đọc Lin.lppham nhận định: "Thực ra còn có nhiều vấn đề khác như giá sách quá đắt so với thu nhập trung bình của người dân, nội dung 'theo trend' chứ không hẳn chất lượng. Dĩ nhiên, cũng có nhiều đầu sách hay nhưng theo tôi chưa đủ. Chưa kể tình trạng sách giả tràn lan...
Muốn khuyến khích người dân đọc sách, trước hết cần tăng cường xuất bản các thể loại sách phong phú, từ văn học, khoa học, kinh tế đến sách giáo dục và sách kỹ năng sống. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em đến người trưởng thành.
Thị trường sách cũng cần có các chính sách hỗ trợ cho các tác giả và nhà xuất bản, bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thuế cho các sản phẩm sách. Cùng với đó là thực hiện các chiến dịch đọc sách sáng tạo và thu hút toàn dân tham gia. Hiện nay, giá sách quá cao cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận sách đối với người nghèo, người thu nhập thấp".
- Hành trình tôi biến con thành người mê đọc sách
- 'Sách self-help chẳng khác gì khóa học làm giàu'
- 'Bác sĩ cũng cần đọc sách văn học'
- Người thành công không đọc sách tạp nham
- Tôi đọc sách nhiều nhưng thiếu trải nghiệm
- 'Đọc sách, để bớt cử nhân chạy xe ôm công nghệ'