Cao tốc TP HCM - Mộc Bài là một trong 8 công trình trọng điểm dự kiến trình HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư công trong năm nay. Tuyến đường dài hơn 53 km, điểm đầu giao Vành đai 3 TP HCM, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Đây là tuyến được quy hoạch nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện. Tháng 10 năm ngoái, Chính phủ đồng ý cho TP HCM quyết định chủ trương đầu tư và triển khai, phê duyệt dự án. Việc này được chấp thuận sau khi thành phố và Tây Ninh cùng kiến nghị đẩy nhanh thực hiện.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng vốn hơn 13.600 tỷ đồng. Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 5.100 tỷ đồng do TP HCM và Tây Ninh chi trả. So với kế hoạch trước đó, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc tăng gần 3.000 tỷ đồng do bổ sung nút giao với đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn) và nút giao Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi). Ngoài ra chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan dự án sau khi rà soát cũng tăng so với trước.
Giai đoạn một, cao tốc TP HCM - Mộc Bài có bốn làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025 và thu phí hoàn vốn trong 23 năm 8 tháng. Tuyến đường khi khai thác giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến liên vận quốc tế nối TP HCM với Campuchia. Đồng thời, công trình cũng phá thế độc đạo của quốc lộ 22 đang quá tải.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km đi qua Long An, TP HCM và Đồng Nai, tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD) do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Điểm đầu tuyến giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương và Vành đai 3 TP HCM; điểm cuối giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai).
Khởi công năm 2014, dự án sử dụng vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng Chính phủ. Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp, gồm 8 gói dùng vốn vay ADB, 3 gói vay vốn JICA. Trong đó hai gói thầu quan trọng nhất là J1 (xây cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp) và J3 (cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu) thuộc địa bàn TP HCM.
Tuyến cao tốc đi qua các vùng địa chất phức tạp, nhiều sông ngòi, sình lầy nên được xây dựng 17 cây cầu tổng chiều dài hơn 20 km. Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với bốn làn xe chạy và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam Bộ không qua nội đô TP HCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Công trình cũng được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kế hoạch ban đầu, dự án thông xe cuối năm 2018, sau đó lùi đến 2020. Tuy nhiên do vướng mắc về vốn và giải phóng mặt bằng nên tiếp tục lùi kế hoạch hoàn thành đến cuối năm 2023. Hiện, dự án đạt hơn 80% khối lượng.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km qua TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, tổng vốn hơn 24.000 tỷ đồng, quy mô 6-8 làn xe thực hiện trước năm 2030. Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước trình Thủ tướng đề xuất giao địa phương này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức BOT.
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đánh giá việc đầu tư cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là phù hợp quy hoạch. Việc đầu tư tuyến đường theo hình thức BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước) giúp giảm áp lực vốn ngân sách. Song, các bên cần nghiên cứu cụ thể các phương án trước khi đề xuất hình thức đầu tư nhằm đảm bảo khả thi và phù hợp các quy định mới. Đồng thời xem xét các yếu tố ảnh hưởng, như việc chia sẻ lưu lượng xe với tuyến song hành quốc lộ 13...
Hiện, xe từ TP HCM đi Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 đến Bình Phước với quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi được triển khai giúp tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hoá và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi đóng góp hơn 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước nhưng bị cho đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Một trong nguyên nhân chính do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu kết nối vùng. Trong đó, các đường cao tốc, vành đai... còn ít, gây nhiều điểm nghẽn.
Gia Minh