Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam Bộ không qua nội đô TP HCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Công trình sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khởi công năm 2014, dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng Chính phủ. Hiện, công trình đạt khoảng 80% khối lượng. Tuy nhiên, nhiều gói thầu trên công trường chưa thể tiếp tục thi công do vướng mắc về vốn, theo báo cáo mới đây của chủ đầu tư - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Dự án có 8 gói thầu xây lắp vay vốn ADB, thông qua hai hiệp định với tổng giá trị 636 triệu USD. Trong đó hiệp định vay lần một trị giá 350 triệu USD (dùng cho 5 gói thầu đoạn tuyến phía Tây dự án) đã kết thúc hồi tháng 6 năm ngoái khi còn nhiều phần việc dở dang. Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải năm 2014, thời gian thực hiện dự án đến quý 2/2019, nên khi hiệp định lần một kết thúc, hiệp định lần hai vay của ADB (dùng cho 3 gói thầu đoạn tuyến phía Đông dự án), trị giá 286 triệu USD, cũng không thể giải ngân dù còn hiệu lực.
Thời điểm đó, khoản vay lần một đóng và không được gia hạn, dự án hết vốn cho những phần việc còn dở ở các gói thầu, cần làm thủ tục sử dụng vốn tại khoản vay lần hai và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, do chưa xác định được "cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư" sau khi VEC chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nên thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay... không thực hiện được. Hết kinh phí nên thi công trên công trường cầm chừng rồi dừng từ đầu năm 2020.
Mặt khác, với khoản vay 10.500 tỷ đồng của JICA, cho ba gói thầu xây lắp J1, J2 và J3 tại dự án, từ tháng 1/2019 đến nay cũng không được giao bởi theo Nghị quyết 71/2018 của Quốc hội, VEC chưa được phân bổ vốn nước ngoài. Đặc biệt trước đó, hai gói thầu quan trọng nhất là J1 (xây cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp) và J3 (cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu) phải điều chỉnh thiết kế nên dừng thi công từ tháng 7/2018 đến nay. Nhiều vướng mắc khiến tiến độ các gói thầu chậm, khoản tiền chưa thanh toán cho nhà thầu đoạn dùng vốn JICA hiện khoảng 15 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng).
Không chỉ vốn nước ngoài, dự án còn gặp khó ở nguồn vốn đối ứng chi trả cho giải phóng mặt bằng. Hiện, dự án chưa hoàn thành đền bù cho 46 hộ dân còn lại, gồm 17 hộ ở TP HCM và 29 hộ ở Đồng Nai, tổng chi phí khoảng 130 tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn vốn vay ADB cho dự án, với các gói thầu thuộc đoạn phía Đông, Bộ Tài chính đề xuất ngân hàng gia hạn hiệp định vay lần hai (hết hạn hôm 30/6) đến 31/12/2023. Đây là thời điểm dự án được gia hạn và cũng là cơ sở để làm các thủ tục thực hiện. Dự kiến, ADB chấp thuận cho gia hạn khoản vay lần này trong tháng 11 tới, khi đó sẽ giải quyết vốn cho các gói thầu.
Đối với các gói thầu đoạn phía Tây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng cho sử dụng vốn ở hiệp định lần hai, để hoàn thành khối lượng công việc còn dở tại hiệp định lần một (gần 1.600 tỷ đồng). Hiện, đề xuất này phía Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
Với vốn vay JICA và thanh toán 15 triệu USD cho nhà thầu, phía VEC cho biết phương án tài chính và dòng tiền của đơn vị sau khi cân đối vẫn đảm bảo nhận nợ với phần vốn chưa giải ngân của JICA. Do vậy, VEC kiến nghị Chính phủ không cần bố trí vốn nước ngoài của JICA từ năm 2019 cho dự án này mà đơn vị sẽ vay lại bằng hiệp định vay phụ với Bộ Tài chính.
Đồng thời VEC cũng kiến nghị được sử dụng nguồn thu phí ở các dự án cao tốc đơn vị đang quản lý và tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ để thanh toán phần việc đã làm tại đoạn sử dụng vốn của JICA. Đây được coi là phương án "tối ưu, duy nhất" để giải quyết vốn cho dự án.
Với vốn đối ứng, VEC kiến nghị hai Bộ Giao thông Vận tải và Tư pháp làm việc với Kiểm toán Nhà nước thống nhất áp dụng giao vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, từ đó đề xuất làm thủ tục giao vốn cho dự án tiếp tục triển khai.
Theo VEC, hiện Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện dự thảo lần 6 báo cáo Bộ Chính trị, trong đó xin ý kiến chủ trương chuyển vốn vay nước ngoài về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn ngân sách cấp phát bởi các dự án bị vướng mắc, trong đó có cao tốc Bến Lức - Long Thành. "Đây được xem là giải pháp căn cơ gỡ các khó khăn tại dự án này", đại diện VEC cho hay.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có điểm đầu giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường Vành đai 3 của TP HCM; điểm cuối giao quốc lộ 51 (Đồng Nai). Dự án thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với bốn làn xe chạy và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h.
Công trình này đi qua các vùng địa chất phức tạp, có nhiều sông ngòi, sình lầy nên được xây dựng 17 cầu tổng chiều dài hơn 20 km. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, sau đó được lùi đến 2020 và gần đây nhất lùi tới cuối năm 2023.
Gia Minh