Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam vào cuối tháng Giêng cũng đang là thời điểm chính Đông và là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Với chủng virus biến thể từ Anh có tốc độ lây lan rất nhanh, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học ở trường, chuyển sang dạy học trực tuyến tại nhà với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.
Nhìn vào thực tế năm 2020 diễn ra, khi vào cùng thời điểm này năm ngoái, dịch bùng phát đợt một, chúng ta cũng nghỉ học vào cuối tháng Giêng, đầu tháng hai rồi kéo tận đến cuối tháng tư, đầu tháng năm.
Đến tháng 10, nhiều tỉnh miền Trung cũng đã phải nghỉ học từ 2 đến 4 tuần vì thiên tai, bão lũ, và có lẽ vì thế nên khi đợt dịch này diễn ra, cộng với thực tế dịch bệnh của địa phương (đã được kiểm soát tốt), các tỉnh này không cho học sinh dừng đến trường như các tỉnh khác.
Theo truyền thống, năm học kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, quãng thời gian tổng cộng là 9 tháng tương đương với khoảng 36-38 tuần thực học (không kể nghỉ Tết).
>> Nghỉ học phòng dịch nCoV - xác suất và những yếu tố ngoại vi
Những năm gần đây, nhiều trường tổ chức học từ tháng 8, quỹ thời gian năm học dài hơn, điều này gây nên sự phản đối của nhiều phụ huynh cũng như chuyên gia vì các con nghỉ hè quá ít và làm mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng truyền thống 5/9. Cũng vì lẽ ấy và đặc biệt là bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản chương trình, điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, đặc biệt, học sinh sẽ có 3 tháng nghỉ hè.
Quãng thời gian 3 tháng hè chính là khoảng thời gian thích hợp để các con nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, học kỹ năng sống,... cũng như tránh được cái nóng khủng khiếp mùa hè ở miền Bắc và miền Trung, cũng như cao điểm mùa mưa phía Nam. Mặc dù vậy, trước sự đe dọa của những dịch bệnh trong mùa Đông-Xuân, thời tiết giá rét ở miền Bắc trong các tháng chính Đông, phải chăng, nên có thêm có một kỳ nghỉ giữa năm kéo dài khoảng một tháng (bao gồm cả nghỉ Tết) cho học sinh, sinh viên?
Tôi cho rằng kỳ nghỉ trên vô cùng cần thiết. Thực tế, sau hai mùa dịch, cũng như những biến đổi của thời tiết, quá trình thu nhận kiến thức của học sinh - sinh viên..., việc cần có một kỳ nghỉ Đông - nghỉ Tết vào giữa năm là một nhu cầu chính đáng của học sinh, giáo viên cũng như của toàn xã hội. Bình thường, thời gian nghỉ Tết của các địa phương và các trường đại học - cao đẳng kéo dài khoảng từ 7 đến 16 ngày; và kỳ nghỉ Đông ở đây, thực tế, cũng là kỳ nghỉ Tết với thời gian dài hơn, khoảng một tháng.
Nghỉ học như thế để các em có thể tái tạo lại năng lượng học tập, gần gũi với gia đình, bạn bè, người thân, tránh việc học quá tải, cũng như để phòng tránh một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa Đông - Xuân.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thích hợp để bản thân các giáo viên có thể ra các bài tập, vấn đề thực tiễn (vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, dạy kỹ năng sống, không phải là bài tập mang tính hàn lâm của môn học); qua đó cùng với phụ huynh đánh giá được một cách tổng thể, trực tiếp sự phát triển của học sinh, cũng như khả năng vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn của các em, hướng tới đánh giá học sinh một cách toàn diện.
>> 'Học sinh sẽ hứng thú đi học nếu được nghỉ 4 kỳ mỗi năm'
Hơn nữa, đối với những địa phương thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt mà phải nghỉ học trong thời gian chính khóa của năm học, các tỉnh này cũng có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian nghỉ giữa năm để lấy quỹ thời gian bù vào cho việc học sinh không thể đến trường vì thiên tai.
Không nhất thiết, tất cả các địa phương phải cùng nghỉ Đông vào một thời điểm, căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, địa lý của tỉnh mình, quãng thời gian ấy có thể ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng phải đảm bảo làm sao để thống nhất và phù hợp với kế hoạch thời gian năm học chung của toàn quốc. Mà để thực hiện việc này, chúng ta cần tinh giản chương trình thêm nữa, sao cho năm học chỉ còn từ 30-32 tuần thực học, quãng thời gian 6-8 tuần dành để nghỉ Đông, dự trữ và hoàn thành các thủ tục, tổ chức các hoạt động trải nghiệm....
Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, dạy học trực tuyến, trên truyền hình, đối với những nội dung mà học sinh có thể nắm bắt tốt và hiểu bài khi học trực tuyến thì các nhà trường có thể linh hoạt điều chỉnh trong kế hoạch giáo dục và phân phối chương trình của các trường. Đồng thời, chính là hạn chế và tiến đến chấm dứt dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Đã đến lúc học sinh Việt Nam cần có một kỳ nghỉ giữa năm, nghỉ Đông liền với nghỉ Tết, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, chất lượng con người, và hơn nữa, phù hợp với bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai.
Vĩnh Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.