Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ ý kiến chia năm học thành bốn kỳ học, tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần.
Nhiều độc giả ủng hộ đề xuất này:
Tôi ủng hộ học 4 kỳ. Ngày xưa đi học đến cuối kỳ kiểm tra chả còn nhớ gì nữa. Nghỉ ba tháng hè không đi học thêm không được vì sẽ quên kiến thức ngay. Sau này tôi ra nước ngoài học 4 kỳ, thoải mái hơn. Cảm thấy đỡ áp lực chuyện thi cử vì lượng kiến thức kiểm tra một lúc không nhiều. Sau mỗi kỳ lại được đi chơi xả hơi nên vô học kỳ sau học rất hứng thú. Tóm lại là học sinh đi học bớt áp lực hơn rất nhiều.
Tôi đồng tình nên chia thành 4 kỳ nghỉ. Được nghỉ nhiều lần sẽ giúp học sinh tái tạo sức khỏe, phụ huynh cũng được thoải mái hơn. Một học kỳ quá dài làm học sinh và phụ huynh quá mệt. Việc có nhiều kỳ nghỉ cũng giúp phụ huynh thu xếp được thời gian cho con đi đây đó tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên vào nhiều mùa trong năm. Đất nước mình thiên nhiên phong phú con trẻ đâu chỉ biết mỗi mùa hè nắng cháy.
Việc thay đổi thành 4 kỳ là hợp lý. Không nên để trẻ học liên tục 9 tháng xong rồi lại nghỉ 3 tháng dồn dập như vậy áp lực cho trẻ là rất lớn. Nên chia ra là đúng nhưng phải hợp lý. Ví dụ như nghỉ hè thì phải xem xét trong 3 tháng tháng nào là nóng nhất thì ta quy định cho trẻ nghỉ những tháng đó. Nhưng chỉ cần thiết cho nghỉ hè 2 tháng thôi, nghỉ đông cũng vậy. Do biến đổi khí hậu nên miền Bắc bây giờ cũng ít rét nên nghỉ đông không cần nghỉ dài quá mà chỉ nghỉ 15 ngày, còn lại các ngày thì kéo cho thời gian nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch lên thêm. Ví dụ Tết Dương lịch cho nghỉ từ 30/12 -3/1, Tết Âm lịch nghỉ từ 28 tết cho đến 15/1 (tức là rằm tháng giêng).
Thời gian nghỉ vẫn thế nhưng được chia ra là quá sáng suốt, đỡ nghỉ quá dài quên kiến thức, có thời gian nghỉ khác biệt trong năm tranh thủ đi chơi, du lịch. Nghỉ như hiện nay không khác gì người lớn đi làm liền 26 ngày, xong nghỉ liền 4 ngày.
Xã hội giờ hòa nhập quốc tế sâu rộng, trên thế giới việc học tập dàn trải chia đều để trẻ nhỏ có thời gian nghỉ ngơi giữa các kỳ và có thể đi du lịch. Phải đến khi tốt nghiệp đại học mới có thời gian chiêm nghiệm thế giới, vậy các cháu sẽ bị hạn chế về trí tưởng tượng và tư duy, ví dụ về âm nhạc hay hội họa, kiến trúc, ẩm thực...
Học thế giới quan, nhân sinh quan là phương pháp hiện đại giúp kích thích hưng phấn cho học sinh sinh viên tương tác với môi trường, xã hội, văn hóa, lịch sử. Đây là cũng là điều kiện kích cầu mua sắm ngày nghỉ phát triển kinh tế dần chuyển đổi các công ty cũng phân kế hoạch theo các ký khóa xen lẫn kỳ nghỉ xuân hạ thu đông.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.