Mấy ngày hôm nay, cả nước bàng hoàng đau xót cho cái chết của bé Lê Hoàng Long bị bỏ quên trên xe đưa rước trẻ đi học khi chỉ mới trải qua ngày thứ hai vào lớp 1. Sự cẩu thả của người lớn khiến ai ai cũng chua xót. Và những bậc làm cha mẹ thì lại càng lo lắng.
Từ lâu, tôi vẫn tự đặt một câu hỏi mà ít được ai trả lời thỏa đáng. Đó là vì sao trẻ bậc tiểu học phải học nhiều thế? Tại sao chúng ta lại quá khắt khe với trẻ? Ngay cả người lớn cũng đã phải học cái gì liên tục hàng ngày 5-6 tiếng đồng hồ hay không?
Thế nhưng các bé thì chỉ vừa hết mẫu giáo, đã hàng ngày dậy từ rất sớm để đến trường lúc 7h hoặc 7h30 sáng. Có ý kiến nói rằng ngủ sớm đi thì dậy sớm không thành vấn đề, miễn đủ giờ. Nhưng làm được điều đó không dễ. Mỗi gia đình có một nếp sinh hoạt riêng làm sao có thể áp đặt hàng loạt được. Việc đó quá khắt khe. Người lớn đưa trẻ đến trường muộn dù chỉ vài phút, cổng trường cũng đã đóng sập lại. Trẻ đứng ngoài cùng cha mẹ. Một cảm giác bất lực và bị chối bỏ, rất tiêu cực không mang lại ý nghĩa nào. Trong khi đó, người lớn Việt Nam thì làm gì cũng phổ biến nổi tiếng là "giờ cao su".
Từ những khó khăn trong sinh hoạt, các dịch vụ đưa rước trẻ đi học ra đời. Những em nhỏ dùng dịch vụ trên hoặc phải đi học xa, hoặc cha mẹ không tiện đưa đón. Nhìn chung, không cha mẹ nào muốn vậy. Mỗi gia đình có một nếp sinh hoạt riêng. Có nhà do công việc đặc thù mà về muộn nên ngủ muộn. Có nhiều ngành nghề mà việc về nhà lúc 2-3h sáng là bình thường, nhưng bù lại ban ngày phải ngủ và đi làm từ giờ chiều. Có nhà thì lại phải dậy rất sớm và về nhà cũng sớm. Nói chung, tùy giờ giấc mà nay thì lại áp tất cả vào cùng một khung giờ để chăm sóc cho con đi học.
Cứ như thế rất ảnh hưởng sức khỏe, năng suất công việc, và giờ giấc làm việc. Vậy tôi nghĩ chúng ta nên áp dụng khung giờ mềm cho trẻ tiểu học. Từ 7h đến 9h sáng, trẻ có thể đến trường lúc nào cũng được, tùy cha mẹ thu xếp. Đến trường sớm thì có thể đăng ký học các lớp kỹ năng do nhà trường tổ chức, hoặc vui chơi sinh hoạt tự do cùng các bạn và cô giáo. Buổi chiều cũng nên có các lớp kỹ năng ngoại khóa để trẻ có thể ở lại muộn khi bà mẹ không thể về đón sớm đúng giờ.
Nếu được như vậy, không chỉ tối ưu hóa giờ giấc sinh hoạt của toàn xã hội, mà còn giảm kẹt xe, giảm tải giao thông vào giờ cao điểm. Những tác dụng này rất tích cực cho xã hội. Chúng ta nên nhớ rằng, hoàn cảnh thành thị Việt Nam ngày nay hoàn toàn khác 20-30 năm trước. Thế giới cũng rất thay đổi với tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật. Giáo dục mà không thay đổi thì là tụt hậu, thậm chí lạc hậu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.