Đã bao lâu rồi, chúng ta vẫn lay hoay với các vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, nhìn chung chính là giáo dục con người trong xã hội Việt Nam. Trọng trách này đặt lên vai ngành giáo dục. Và khách quan mà nói, ngành này làm chưa tốt.
Mỗi khi có những câu chuyện về sự kém cỏi, hoặc tồi tệ, của một số cá nhân hay bộ phận người dân, mọi trăn trở lại dành cho ngành giáo dục. Khi thanh thiếu niên hư, người ta nghĩ đến "nhà trường và gia đình". Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu gia đình không tốt, thì mong đợi gì ở gia đình? Còn nếu gia đình hoặc cá nhân mà tốt rồi, thì liệu có cần đến nhà trường nữa hay không?
Ở đây, tôi xin bàn đến việc thực học, thực đạo, chứ không nói đến nhu cầu phải có bằng cấp. Vậy, chúng ta cần gì ở con người Việt Nam khi nghĩ đến giáo dục? Theo tôi, có hai khía cạnh:
- Cá nhân chúng ta cần được học cái gì?
- Và chúng ta muốn những người xung quanh ta được giáo dục cái gì?
Trả lời được 2 câu hỏi này, ta sẽ nhìn thấy vai trò đúng đắn của "gia đình và nhà trường".
- Cá nhân chúng ta cần gì? Chúng ta có nhu cầu giỏi các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức phát triển cuộc sống, kiến thức làm kinh tế, kiến thức giải quyết vấn đề ... những điều này phục vụ cho bản thân. Vì thế, giả sử như ngành giáo dục không dạy (chưa nói đến là áp đặt hoặc ra tiêu chuẩn buộc chúng ta phải theo trong quan điểm chủ quan của ngành), thì chúng tôi vẫn phải "tầm sư học đạo". Có cầu, tự khắc có cung và thị trường sẽ điều chỉnh giá cả - chất lượng.
Nói đâu xa, những kỹ năng kiến thức như ngoại ngữ, máy tính, nghệ thuật ...nhà trường phổ thông hay thậm chí đại học dạy kém hơn nhiều cả về chất lẫn về lượng so với các trung tâm, các công ty, các học viện. Thi cử thì khốn khổ cho cả nước, chứ người ta thi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC ... quy mô quốc tế mà có thấy gì kinh khủng lắm đâu.
Cả một lực lượng nhân tài các lập trình viên, đồ họa kỹ thuật số, nghệ sĩ, thợ bậc cao ... đa số đều không xuất phát từ nhà trường mà đều từ những con đường đi riêng cá nhân. Cùng lắm thì trường lớp "chính quy" (ý nói những trường lớp do ngành giáo dục tổ chức và vận hành) chỉ giúp họ có một số cơ bản ban đầu mà thôi. Vì thế, ngành giáo dục đừng nên "cầm đèn chạy trước ôtô", "lo bò trắng răng". Nếu người dân cần học cái gì, xã hội sẽ đáp ứng theo quy luật Cung - Cầu. Nhưng ngược lại, chúng ta cần gì ở những người quanh ta?
Xem nhiều trong ngày:
> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
> Nước máy ở Hà Nội 'có mùi như nhựa cháy'
> 'Nhà không có cách âm không được hát karaoke'
> 'HLV Park nâng tầm cầu thủ V-League bằng lối đá thực dụng'
> Tại sao không khởi kiện hàng xóm hát karaoke ồn ào?
Chúng ta cần họ biết tôn trọng lợi ích của ta, cần họ sống văn minh có ý thức, cần họ hợp tác, cần họ trung thực, tự giác... Đây là những đặc tính mà tự nhiên tính ích kỷ của con người luôn chống lại. Nếu không có sự giáo dục của xã hội, của nhà trường, đừng đòi hỏi là cá nhân bỗng nhiên tự giác hay mong chờ gia đình của các cá nhân đó dạy họ. Chẳng hạn một gia đình có lịch sử cha mẹ là dân giang hồ, lấy gì mong họ tự nhiên dạy con họ làm người trí thức, hiền lành?
Vì thế, đây mới chính là vai trò định hình xã hội của ngành giáo dục, bên cạnh đó là phải có sự định hình và hỗ trợ của ngành truyền thông, ngành văn hóa, vân vân. Ở vế thứ nhất, không có ngành giáo dục, cá nhân vẫn tự phát triển được trong một xã hội Cung - Cầu. Ở về thứ hai, không có ngành giáo dục, xã hội sẽ rất lộn xộn, bát nháo, tựa như một đội quân ô hợp không có kỷ luật.
Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi về bản chất của trách nhiệm ngành giáo dục. Thời đại đã thay đổi, nhân loại đã thay đổi rất nhiều so với nhiều thập kỷ trước đây. Công nghệ thông tin bùng nổ từ lâu rồi. Chúng ta không thể cứ lạc hậu và đắm đuối với những góc nhìn cũ, quan niệm cũ nay đã lỗi thời.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.