Tôi mua nhà này đã được hơn một năm. Ban đầu là nhà thô, toàn bộ nội thất đồ dùng sau này do hai vợ chồng tự xử lý. Trong quá trình này, một trong những câu chuyện mà tôi nhớ nhất chính là chiếc tủ bếp.
Ngày trước, khi còn chưa mua nhà, bản thân là kiến trúc sư, luôn vẽ cho người khác, nhưng hiếm khi nào tôi thao tác sử dụng như một người nấu bếp thực sự. Do vậy kinh nghiệm về tủ bếp cũng chỉ là trên lý thuyết. Phải đến khi chuyển về căn nhà này và trực tiếp làm một khoang bếp, phụ vợ nấu nướng hàng ngày, tôi mới nhận ra nhiều điều trước đây tôi còn thiếu sót do không để ý.
Dưới đây là một số lưu ý tôi đúc kết được:
Thứ nhất, sử dụng không đúng chủng loại gỗ cho tủ bếp, khoang chậu rửa và giá bát treo ở tủ trên luôn luôn có hơi ẩm và nước, một thời gian bị gỗ bị ngậm nước là vênh hết, đặc biệt là ván dăm mfc, kể cả lõi xanh an cường, minh long, thái xanh hay loại gì. Vì vậy, khoang có nước các bạn nên dùng lõi nhựa picomat cho yên tâm.
Thứ 2, bắt tay nắm không đúng vị trí, khiến chị em khó thao tác. Tủ trên mà lắp tay ở phía giữa cánh sẽ khiến những chị em chiều cao hạn chế phải với hoặc tủ dưới lại bắt tay nắm phía giữa khi mở cũng phải cúi gập người khá khó chịu.
Thứ 3, chia đợt trong tủ gỗ quá tiết kiệm nên bị lãng phí khoảng không, hoặc chia không phù hợp, để chai nước mắm, chai dầu ăn cao cũng khiến không vừa.
Thứ 4, bắt thiếu vít ở bản lề, có 4 lỗ nhưng thợ gỗ khi lắp đặt tại nơi thường chỉ bắt 2 (cho nhanh), một thời gian sử dụng cánh sẽ bị xệ, nên chú ý vít đủ 4 lỗ.
Thứ 5, bản lề khoang chậu rửa một thời gian sẽ bị gỉ, riêng khoang này phải sử dụng bản lề loại tốt hẳn ( inox 304) để chống gỉ.
Thứ 6, bơm silicon không kỹ quanh mép đá-chậu rửa thì một thời gian ngấm nước.
Thứ 7, vành chậu rửa lồi lên trên mặt đá nên không vét nước trên bề mặt xuống chậu triệt để khi dọn vệ sinh. Khi thi công luôn khoét đá làm 2 nấc để vành chậu rửa luôn bên dưới mặt đá, vừa đẹp lại tiện dụng.
Thứ 8, thợ gỗ khoan vít bụi gỗ còn dính đầy trong ray ngăn kéo, một thời gian ngắn han gỉ và bị kẹt, khó di chuyển nên nhớ vệ sinh kỹ.
Thứ 9, chiều cao tủ bếp dưới thi thoảng có nhà bị cao vọt lên 950 đứng thao tác rất khó khăn vì vậy, lựa chọn tủ bếp dưới cao 820-870 là phù hợp với đa phần phụ nữ Việt Nam.
Thứ 10, thiếu vị trí ổ điện trên bàn bếp gây bất tiện. Ít nhất gia đình cần phải có 3-4 ổ cắm cho nồi cơm, siêu nước, lò vi sóng, nồi chiên. Cái này phải lưu ý từ khâu xây dựng, nhớ có ổ cho cả lò nướng, bếp từ, máy lọc nước ở tủ dưới, hút mùi ở tủ trên.
Đúng là có làm mới có hay, phải làm thì mới biết thực tế nó như thế nào. Sách vở chỉ là nền tảng cơ bản còn để có kinh nghiệm tốt nhất vẫn phải tự bắt tay vào làm.