Theo ghi nhận của WSJ, ở châu Á, việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid và tình trạng thiếu năng lượng, giới hạn công suất cảng đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Tại Mỹ, các nhà bán lẻ lớn cho biết đã nhập khẩu gần hết những gì cần cho dịp lễ. Giá cước vận tải đường biển cũng đã giảm xuống mức kỷ lục.
Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach - cửa ngõ nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ châu Á - đã giảm, nhưng vẫn ở mức gần kỷ lục. Có 71 tàu container neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 tàu cách đó 3 hôm, theo tổ chức Marine Exchange of Southern California. Trong 3 ngày tới, dự kiến có 17 tàu nữa đến cảng. Trước đại dịch, việc tàu neo đậu ngoài khơi để chờ đợi vốn là điều bất thường.
Các CEO ngành vận chuyển và bán lẻ dự báo lượng hàng tồn đọng tại cảng của Mỹ sẽ được giải quyết vào đầu năm 2022. Do đến khi đó, kỳ mua sắm nghỉ lễ Giáng sinh đã qua và Tết Nguyên đán sẽ khiến nhiều nhà máy châu Á đóng cửa trong một tuần của tháng 2, giúp sản lượng chậm lại.
Jan Held, Đồng sở hữu Held Bereederungs (Đức), cho biết tình trạng tắc nghẽn ở châu Á đang cải thiện. Các tàu của ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa công nghiệp, đôi khi mất một tháng chờ đợi bên ngoài các cảng châu Á. Theo Held, phải một thời gian nữa giao thông toàn cầu mới bình thường lại. "Đại dịch phải kết thúc nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra", ông nói.
Giá cước tàu biển xuyên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây. Cụ thể, chi phí vận chuyển một container giảm hơn một phần tư trong tuần kết thúc vào ngày 12/11. Đây là mức giảm lớn nhất trong hai năm qua. Dù vậy, giá lại tăng 5% trong tuần này, lên khoảng 14.700 USD mỗi container loại dài 12m, tức vẫn cao hơn ba lần so với năm trước, theo Freightos Baltic Index.
"Trên toàn cầu, thời kỳ tồi tệ nhất về chuỗi cung ứng đang dần trôi qua", Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, đánh giá. Một cuộc khảo sát ở 45 nền kinh tế cho thấy hầu hết mọi người tin rằng gián đoạn chuỗi cung ứng đã đạt đến đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh quý cuối năm nay.
Nhiều chuỗi lớn như Walmart, Home Depot và Target cho biết đã có sẵn hàng cho kỳ nghỉ lễ, chủ yếu nhờ nhập hàng sớm hơn bình thường trong năm nay. Một số cũng thuê tàu riêng để giải quyết các nút thắt vận tải.
Tuy nhiên, rất ít CEO xác nhận khó khăn đã kết thúc. Các công ty toàn cầu vẫn đang chật vật với các vấn đề tại cảng và đường bộ trên khắp thế giới. Một số nhà bán lẻ báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp đi, do chi phí vận chuyển tăng cao.
Đối với Christine Humphreys, Đồng sáng lập Mindful Drink, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng dường như không thể xoa dịu. Công ty đồ uống ở Anh của cô chỉ còn một nửa lượng hàng dự trữ cho dịp Giáng sinh - giai đoạn kinh doanh bận rộn nhất. "Hành trình từ Đức đến Anh lẽ ra chỉ mất hai tuần, giờ đã mất sáu tuần rồi", Humphreys cho biết.
Sản xuất chậm lại do Covid-19 bùng phát, nhưng đã tăng trở lại trong tháng qua tại các nhà máy trên khắp Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác. Điều này là do số ca dương tính mới giảm và các giới hạn sản xuất dần được dỡ bỏ.
"Đó là một sự thay đổi lớn theo hướng tích cực vì sẽ cải thiện sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu", Trinh Nguyen, Nhà kinh tế cấp cao của Natixis (Hong Kong), đánh giá. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng nhiều quốc gia tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề khác, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động.
Tại Việt Nam, các chủ nhà máy ở phía nam cho biết hoạt động sản xuất suôn sẻ hơn nhiều so với vài tháng trước. Nhưng những thách thức vẫn còn, bao gồm chi phí vận chuyển cao và thiếu lao động, do nhiều công nhân đã trở về quê nay vẫn chưa quay lại.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tình hình đang được cải thiện và các nhà máy sản xuất đồ gỗ quy mô trung bình, với khoảng 200 đến 500 công nhân, đang hoạt động với khoảng 80% công suất. Nhưng các nhà sản xuất đồ nội thất lớn hơn, có tới 3.000 công nhân, lại thiếu nhiều lao động và hoạt động ở mức khoảng 65% công suất.
Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng điện ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất của nước này đầu mùa thu đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Giới chức đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than tính giá cao hơn. Giá dầu cũng đã giảm sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.
Theo các cuộc phỏng vấn với một số chủ nhà máy tại Quảng Đông, hoạt động sản xuất phần lớn đã trở lại ở công suất bình thường kể từ tháng 10. Tình trạng thiếu container cũng đang giảm bớt. Thomas Broertjes, CEO Foshan Oufeng Furniture (Quảng Đông), cho biết họ đã không thể vận chuyển bất kỳ sản phẩm nào vào tháng 9, vì không thể tìm được container. "Đó thực sự là tháng thấp điểm nhất", ông nói.
Mặc dù công ty có thể đặt container từ tháng 10, họ vẫn phải mất nhiều ngày để xác nhận được với các nhà cung cấp. Giá vẫn gấp ba hoặc bốn lần năm 2020. "Tôi hy vọng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Nó không thể tệ hơn được", ông nói và nhận xét vận chuyển vẫn là "rắc rối lớn".
Các chủ nhà máy khác cho biết vẫn đang vật lộn giải quyết các nút thắt. Kể từ tháng 6, các thùng hàng chứa đầy phụ tùng ôtô bắt đầu chất đống tại nhà kho của Zhejiang Songtian Automotive Motor System. Nguyên nhân là ngày càng nhiều nhà nhập khẩu phương Tây ngừng nhận hàng trong bối cảnh giá cước tăng cao. Công ty gần đây đã mở rộng thêm kho chứa hàng.
"Toàn bộ nhà máy hiện chứa đầy hàng hóa thành phẩm không thể vận chuyển ra ngoài. Đây là vấn đề đau đầu nhất và chúng tôi không thể làm gì được", Dai Xuezhi, CEO công ty nói.
Nhà cung cấp dữ liệu eeSea cho biết sự chậm trễ của tàu container đã giảm trong tháng 10 so với tháng 9, nhưng số tàu chờ bên ngoài cảng vào tháng 11 không có nhiều thay đổi. Tính đến sáng thứ Sáu (19/11), đã có 500 tàu container lớn chờ cập cảng bên ngoài các cảng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng nhẹ so với 497 tàu ngày 8/10.
Tại Mỹ, điểm đến của nhiều mặt hàng được sản xuất tại châu Á, có rất ít dấu hiệu cho thấy tắc nghẽn đang giảm đi. Các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa gần đây đã dỡ bỏ giới hạn đối với hàng hóa nhập cảnh vào các bến container bị tắc nghẽn ở khu vực Chicago. Nhưng các thùng hàng vẫn tràn ngập cảng Los Angeles và Long Beach.
Các CEO ngành logistics đánh giá, tình trạng tồn đọng của các tàu ngoài khơi cho thấy dòng chảy của các chuyến hàng trong nước không cải thiện. "Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu kỹ về vấn đề này", Alan McCorkle, CEO Yusen Terminals tại Cảng Los Angeles, cho biết.
Phiên An (theo WSJ)