Ngày 28/6, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đề xuất trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải chưa có tiền đầu tư thiết bị do ảnh hưởng Covid-19.
Theo Nghị định 10/2020, từ 1/7 tới, xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, đầu kéo phải lắp camera giám sát để truyền hình ảnh trong quá trình xe tham gia giao thông. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cả nước có gần 200.000 xe trong diện phải lắp đặt thiết bị, nhưng hiện mới có gần 15.500 xe lắp, đạt 7,8%. Trong đó, xe khách hơn 9.700, xe container, xe đầu kéo hơn 5.700.
Các doanh nghiệp chưa đầu tư thiết bị camera do hơn một năm qua, Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hướng lớn đến sản xuất kinh doanh. Xe bị dừng hoạt động hoặc được phép nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa. Sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 20-30% so với trước dịch, vận tải hàng hóa ước đạt 70-80%.
Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy, tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5 chỉ đạt hơn 50%.
Hiện khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện. Trong khi đó, xe hoạt động cầm chừng khiến các doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép lùi thời gian quy định lắp camera trên xe đến 1/7/2022 và lùi thời gian xử phạt để hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ước tính các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt thiết bị này.
Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô chở hành khách và hàng hóa vi phạm quy định về lắp camera giám sát; phạt 5-6 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân và 10-12 triệu đồng với chủ phương tiện là tổ chức vi phạm quy định về lắp và truyền dữ liệu camera giám sát.