Ngày 10/6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với những doanh nghiệp vận tải không lắp camere để giám sát lái xe và hành khách từ 1/7 tới.
Thay vào đó, thời điểm xử phạt cho xe khách từ 9 chỗ trở lên chưa lắp camera là từ 30/6/2022 và xử phạt xe kinh doanh hàng hóa container, xe đầu kéo không lắp camera từ 31/12/2021.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, từ 1/7 tới, các xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, đầu kéo đều phải lắp camera theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không có tiền đầu tư thiết bị do doanh thu giảm sút trong Covid-19. Các đơn vị vận tải hành khách bị thiệt hại nặng hơn vận tải hàng hóa.
"Các doanh nghiệp sẽ vẫn được yêu cầu lắp camera theo đúng lộ trình Chính phủ quy định song việc xử phạt có thể chậm hơn", bà Hiền nói.
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, các phương tiện vận tải khách tại nhiều địa phương phải dừng hoạt động, làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tháng 5, khối lượng vận tải khách đường bộ đạt trên 265.000 người, giảm 15% so với tháng 4, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép lùi thời gian quy định lắp camera trên xe đến 1/7/2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp song đề xuất này không được chấp thuận.
Từ ngày 1/7 tới, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe áp dụng cho khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo, song đến nay nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư thiết bị này. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ước tính các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt.
Cho rằng phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải áp dụng lắp camera đúng kỳ hạn với xe đang hoạt động, chiếm khoảng 10%. Những xe đang dừng chạy thì có thể lùi lại sau một năm. Ngoài ra, khoảng 10.000 xe đã lắp camera theo công nghệ cũ, không có tính năng truyền dữ liệu, sẽ phải bỏ đi ngay gây lãng phí. Cơ quan quản lý cần cho phép các đơn vị vận tải giữ lại thiết bị này thêm 3 năm rồi thay thế dần.
Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát hành trình.
Lái xe sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối với đơn vị kinh doanh, mức phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.