Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho hay, doanh thu các tháng gần đây đã giảm 90% so với cuối năm 2020 do phần lớn xe khách chạy cung đường Hà Nội đi Lào Cai, Sa Pa phải dừng hoạt động vì vắng khách. Mỗi ngày, hãng chỉ duy trì 5-10 xe chạy, mỗi chuyến chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn 7-8 triệu đồng.
"Công ty không có tiền trả lương nhân viên hay trả lãi vay mua xe cho ngân hàng nên không thể đầu tư lắp đặt carema giám sát", ông Bằng giải thích. Theo tính toán, mỗi camera lắp trên xe chi phí 7-8 triệu đồng. Với gần 100 xe, hãng Sao Việt sẽ phải đầu tư gần một tỷ đồng, chưa thể chi phí mỗi tháng truyền dữ liệu từ camera đến đơn vị quản lý.
Giám đốc Bằng cho rằng phần lớn xe đang không hoạt động nên đầu tư cả tỷ đồng lắp camera sẽ gây tốn kém và lãng phí cho doanh nghiệp. Nhà nước cần gia hạn thời gian lắp đặt thiết bị này thêm vài năm nữa, bởi hiện nay doanh nghiệp vận tải đều khó khăn, nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Đồng cảnh ngộ, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH X.E VN, cho hay đang không thể chi trả lương nhân viên, lãi vay ngân hàng nên chưa có tiền đầu tư thêm camera cho 100 xe khách, phần lớn là xe limousine. Hiện nay, công ty mới có 5 xe được lắp camera thí điểm. Nếu lắp hết doanh nghiệp phải đầu tư một tỷ đồng cho thiết bị và gần 200 triệu đồng mỗi năm để duy trì hệ thống và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, lắp camera trên xe chưa thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp hay cơ quan quản lý. Bởi cơ quan chức năng xử lý qua camera dạng "hậu kiểm", khi các lỗi vi phạm đã xảy ra. Nếu lái xe cố tình vi phạm như chở quá số khách thì họ sẽ che camera, đơn vị quản lý khó phát hiện. Hiện nay trên xe đã có thiết bị giám sát hành trình ghi lại tốc độ xe và thời gian làm việc của người lái, đảm bảo giám sát an toàn giao thông.
Trên thị trường, camera góc rộng lắp cho mọi loại xe giá 4-5,5 triệu đồng bao gồm chi phí simcard và máy chủ cho năm đầu tiên. Các năm tiếp theo đơn vị vận tải trả 100.000 đồng mỗi tháng/xe để duy trì simcard và máy chủ. Doanh nghiệp vận tải muốn bổ sung các tính năng riêng như lắp thêm mắt camera để quản lý khoang hành lý, lắp cảm biến đo nhiên liệu, sử dụng ổ cứng lưu trữ... thì phải đầu tư camera giá 6-8 triệu đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ước tính với khoảng 200.000 xe khách, xe container cần lắp thiết bị camera, doanh nghiệp phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Hiện phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính nên Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải áp dụng lắp camera đúng kỳ hạn đối với xe đang hoạt động, chiếm khoảng 10%. Còn những xe đang dừng chạy thì có thể lùi lại sau một năm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Quyền cho biết, có khoảng 10.000 xe lắp camera theo công nghệ cũ, không có tính năng truyền dữ liệu, sẽ phải bỏ đi ngay gây lãng phí. Cơ quan quản lý cần cho phép các đơn vị vận tải giữ lại thiết bị này thêm 3 năm rồi thay thế dần.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội kiến nghị cần nghiên cứu thêm tính pháp lý của việc lắp đặt camera trên xe. Bởi việc ghi hình đối với hành khách trên xe còn nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp Bộ Luật dân sự. Các doanh nghiệp xe hợp đồng cho biết khách nước ngoài không thích bị ghi hình vì họ hay thay đồ trên xe khi đi tắm biển.
Cùng với đó, hiện nay đã có thiết bị giám sát hành trình trên xe. Lái xe phải thao tác nhập 2 thiết bị để truyền dữ liệu về trung tâm, doanh nghiệp cũng chịu hai lần phí truyền dẫn dữ liệu là camera và giám sát hành trình trong khi chưa sử dụng hết tính năng của kho dữ liệu này. "Cơ quan quản lý cần xem xét lại việc lắp camera trên xe khách bởi tốn kém hàng nghìn tỷ đồng mà hiệu quả không cao", ông Quyền nói.
Về phía cơ quan quản lý, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng Chính phủ đã có cái nhìn dài hạn về việc lắp camera giám sát trên xe theo lộ trình. Chính sách này không chỉ giúp chủ xe nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giảm tai nạn giao thông, bảo vệ hành khách, giúp công tác hậu kiểm vi phạm của cơ quan quản lý. Ví dụ, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, camera đã giúp cơ quan chức năng giám sát hành khách và lái phụ xe không đeo khẩu trang, truy vết hành khách tại nhiều địa phương.
Trước kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt camera, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng các đơn vị vận tải phải thực thi theo chỉ đạo của Chính phủ, song trước mắt lực lượng chức năng sẽ chưa xử phạt, nhất là với các xe đang dừng hoạt động, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp. Các loại camera đời cũ đã được lắp đặt trên xe vẫn cần thay thế để đảm bảo nhận diện được khuôn mặt hành khách khi chuyển hình ảnh về trung tâm qua mạng 3G, 4G.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng trung tâm lưu trữ thông tin để tiếp nhận toàn bộ hình ảnh camera từ phương tiện vận tải và có cán bộ phân tích dữ liệu. Trong khi chưa có trung tâm này, dữ liệu hình ảnh vẫn được lưu trữ ở các đơn vị vận tải và cơ quan chức năng sử dụng khi có vi phạm.
Theo Nghị định 10/2020, trước 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe khi lưu thông.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách...