Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết cơ quan này đã yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành đôn đốc đơn vị vận tải lắp camera trước 1/7 theo Nghị định 10. Camera phải đặt tại các vị trí có thể quan sát tài xế và cửa lên xuống xe.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo các đơn vị lựa chọn camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo chất lượng hình ảnh, tránh lãng phí đầu tư, vì trong thời gian tới các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G.
Theo ông Thủy, dự kiến có khoảng 200.000 xe khách, container, xe đầu kéo nằm trong diện phải lắp camera. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải có số đầu xe lớn đã tuân thủ lắp đặt thiết bị này.
Theo Nghị định 10/2020, trước 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe khi lưu thông.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách...
Giữa năm 2020, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải lùi thời gian lắp camera thêm 2 năm nữa vì các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn, bị giảm doanh thu do dịch Covid-19. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được chấp thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chi phí cho việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ khá lớn. Mỗi xe khách phải lắp 3-4 camera để ghi hình lái xe làm việc, tại các cửa lên xuống và khoang hành khách, mỗi camera giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí truyền dữ liệu 240.000-320.000 đồng mỗi tháng cho mỗi máy. Do đó, mỗi xe lắp camera khoảng 10 triệu đồng, mỗi doanh nghiệp vận tải phải chi khoảng 1-2 tỷ đồng.