Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội chỉ ra loạt tồn tại, sai sót trong quản lý đầu tư, nghiệm thu và quyết toán tại 9 dự án BOT, 29 dự án BT.
Với 9 dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không tổ chức đấu thầu rộng rãi. Hầu hết đều chỉ định nhà thầu thi công, việc thu xếp vốn của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng, tiến độ.
Cơ quan kiểm toán còn phát hiện loạt dự án xác định sai tổng mức đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư PPP được xác định tăng mức đầu tư 45,4 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT tăng gần 62 tỷ đồng. Còn dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hợp đồng BOT tăng gần 8 tỷ...
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc nghiệm thu, thanh toán tại các dự án BOT còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện gần 666 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng 74,5 tỷ, sai đơn giá gần 187 tỷ và sai khác hơn 404 tỷ.
Trước những sai phạm tại các dự án BOT, BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 926 tỷ đồng, trong đó đề nghị giảm thời gian thu phí 56,4 năm so với phương án ban đầu của 7 dự án BOT.
STT | Dự án | Thời gian giảm thu phí (năm) |
1 | Cầu Hoà Trung | 15,8 |
2 | Cầu Chà Là | 13,9 |
3 | Nâng cấp mở rộng 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên (Bến Tre) | 7 |
4 | Nâng cấp luồng sông Sài Gòn (đoạn cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc) | 7,5 |
5 | Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc | 6,3 |
6 | Đầu tư xây dựng đoạn thị xã Ninh Hoà và cải tạo quốc lộ 26 (Khánh Hoà) | 4,9 |
7 | Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình | 1 |
Tổng | 56,4 |
Không riêng các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai sót tại 29 dự án BT, kiến nghị xử lý gần 5.230 tỷ đồng. Hầu hết dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ; sai đơn giá quyết toán khối lượng, chi phí giải phóng mặt bằng "đội" lên cao.
Như dự án xây dựng tuyến đường đê Ngọc Thuỵ đến khu đô thị mới Thượng Thanh (Hà Nội) giảm dự toán 69 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lên tới 754 tỷ.
Tại dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng chưa đúng 226 tỷ đồng, trong đó có lý do tính sai thời điểm giá gốc của chi phí bù nguyên giá, vật liệu, và sai đơn giá quyết toán khối lượng hoàn thành.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra có địa phương phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT, như dự án BT tại tỉnh Thanh Hoá, vượt tới 875 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất theo diện tích đất giao thực tế vượt giá trị dự án BT tới 735 tỷ đồng.
Có địa phương xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư chưa đúng khi áp dụng phương pháp tài sản so sánh để thẩm định giá, như Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hà Nội. Thực tế, tài sản chưa giao dịch thành công mà chỉ rao bán trên thị trường, do đó tài sản so sánh chưa đảm bảo tính tương đương với tài sản định giá. Từ đó dẫn tới sai lệch thời điểm xác định giá đất của dự án đối ứng so với thời điểm có quyết định giao đất...
Cùng đó, tại nhiều địa phương, việc giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo Luật Đất đai 2013...
Anh Minh