Sáng 16/12, Công ty cổ phần Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tín dụng 6.686 tỷ đồng với nhóm ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang). Trong đó, VietinBank cam kết cho vay 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, Agribank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vốn vay từ ngân hàng là một trong những nút thắt quan trọng của công trình trọng điểm này. Trước đó, dự án bị "tắc" do các ngân hàng phải soát xét lại các điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của ngân hàng. "Sau sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại các thủ tục pháp lý, cũng như những quan ngại về rủi ro trước đây từ phía ngân hàng đã được nhà đầu tư đáp ứng", ông Thế nói.
Trước đó, công ty cũng đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV. Tuy nhiên, năm 2012, chủ đầu tư từ chối triển khai tiếp do hạn chế vốn. Công trình bị ngưng trệ đến năm 2015 mới khởi công lại theo hình thức BOT và dự kiến hoàn thành sau ba năm.
Song dự án vẫn tiếp tục đình trệ do các nhà đầu tư thiếu năng lực, một nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh bị điều tra do sai phạm trong nhiều dự án. Năm 2018, dự án được thay đổi nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang. Lần này, vốn đầu tư được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng, dự kiến thông xe cuối năm 2020, hoàn thành toàn tuyến vào 2021.
Trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các đơn vị đang xây dựng trên 50 cầu, xử lý 45 km nền đất yếu. Hiện khối lượng thi công đạt khoảng 30%. Sau khi các nguồn vốn được rót, các nhà thầu đã tổ chức thi công 3 ca một ngày, không nghỉ lễ tết để kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.