Tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi vì sao chủ trương thu phí tự động không dừng liên tục bị lùi. "Với mốc kế hoạch mới là cuối năm 2019, 100% trạm thu phí sẽ chuyển sang thu phí không dừng thì có làm được hay không, khi chỉ còn vài tháng nữa?", ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại hỏi.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hai năm qua liên tục có những văn bản chỉ đạo, đốc thúc các nhà đầu tư chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí tự động không dừng.
Nhưng thực tế chủ trương này bị chậm một năm so với kế hoạch. "Tới 31/12/2019 toàn bộ trạm thu phí trên toàn quốc sẽ triển khai thu phí tự động không dừng", ông Thể cam kết.
"Chủ đầu tư BOT sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chậm triển khai. Chủ đầu tư nào cố tình chây ỳ thì sẽ bị dừng thu phí và chịu hậu quả kinh tế", ông Thể quả quyết.
Làn thu phí không dừng tại BOT Bắc Hải Vân (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Anh Duy |
Ông nói thêm, hiện đã có 1 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí không dừng, và việc chọn công nghệ nào phụ thuộc vào chủ đầu tư các trạm BOT. Vướng mắc duy nhất, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải nêu, là trường hợp của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với 226 làn thu phí không dừng cần lắp đặt, nhưng đến nay làm rất chậm.
Lo khó đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã báo cáo Thủ tướng, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về trường hợp của VEC và đề nghị có giải pháp xử lý ngay.
Với các dự án cao tốc, Bộ trưởng khẳng định sẽ không kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thu phí thủ công. Các nhà đầu tư cao tốc phải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần đưa vào diện giám sát đặc biệt và dừng thu phí nếu không thực hiện.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Thể, ông Nguyễn Văn Giàu tranh luận lại. Theo ông, quyết tâm đẩy nhanh chủ trương thu phí không dừng của Bộ Giao thông & Vận tải là tốt nhưng cần đánh giá lại tổng thể vì chính sách này ảnh hưởng tới 5-6 triệu đầu xe.
"Nếu không đánh giá hết, doanh nghiệp không kịp tiến hành đúng hạn rồi bị tước quyền thu phí, rồi sau đó lại thu phí trở lại sẽ là vấn đề rất lớn", ông Giàu nói, và đề nghị Bộ Giao thông cần có phương án truyền thông tốt hơn, để tránh gây xáo trộn xã hội.
Báo cáo Chính phủ gửi tới Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ Giao thông đặt lộ trình hạn cuối cùng áp dụng thu phí không dừng giai đoạn 1 là 31/12/2019 cho 28 trạm thu phí. Giai đoạn 2, Bộ đấu thầu công khai nhà cung cấp dịch vụ. Hiện cả nước có hơn 3 triệu ôtô, nhưng lượng xe dán thẻ thu phí không dừng E-Tag chưa đến một triệu.
Anh Minh