Những vấn đề của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT được nêu tại báo cáo Chính phủ về thực hiện nghị quyết Ủy ban thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2018.
39 dự án BOT đã có phương án miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, một số sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu vì một số nguyên nhân như: giảm phí, chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng; số lượng trạm thu phí thay đổi... "Việc sụt giảm doanh thu không như dự kiến ban đầu sẽ dẫn tới khó khăn cho các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ", Chính phủ đánh giá.
Chính phủ cho biết đang từng bước tìm giải pháp. Ngoài rà soát tổng thể vị trí đặt trạm BOT, để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của các trạm thu phí thì Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án.
Tuy nhiên với nguồn lực hiện nay, Chính phủ thừa nhận "rất khó khăn để cân đối nguồn vốn mua lại". Vì thế, Thủ tướng đang giao Bộ Giao thông & Vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, một số nhà đầu tư không đồng ý giảm trừ lãi vay khi xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư dự án BOT và mức chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu, nên đến nay chưa thể đàm phán điều chỉnh hợp đồng một số dự án BOT. Trong khi đó, nếu Nhà nước đơn phương điều chỉnh hợp đồng BOT thì có thể sẽ dẫn đến các tranh chấp pháp lý, sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP.
Bộ Giao thông & Vận tải đã dừng triển khai 14 dự án BOT trên các đường cũ, điều chỉnh một số hạng mục địa phương kiến nghị ở các dự án BOT do UBND các tỉnh, thành đang triển khai. Tuy nhiên, các địa phương có tuyến đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng về việc bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng việc lưu thông của người dân.
Anh Minh