(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Việc đánh bắt cá bằng xung điện từ lâu đã bị nghiêm cấm vì khai thác mang tính tận diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh, kể cả toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du trong bán kính hai mét đều bị tiêu diệt.
Thế nhưng hiện nay, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng kích điện đang diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, từ những ao, hồ, sông nhỏ cho đến sông lớn hay ngoài biển. Trên các trang mạng xã hội, không khó để tìm rất nhiều địa chỉ rao bán kích điện công khai, được quảng cáo rầm rộ, với giá rất rẻ. Hậu quả là những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Một số loài cá ngày trước rất nhiều ngoài tự nhiên, nhưng bây giờ gần như tuyệt chủng.
Trong khi đó, theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7, quy định xử phạt hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để đánh bắt thủy sản còn bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ.
Thế nhưng, thực tế, vì sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng dẫn đến việc một số người bất chấp hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đồng thời cũng gây ra nguy hiểm cho người sử dụng, để khai thác thủy sản bằng xung điện.
>> 'Thịt thú rừng không làm nên đẳng cấp'
Ngay ở con sông nhỏ gần nơi tôi sinh sống, mặc dù là nơi cung cấp nước sạch chính cho thành phố nhưng kích điện vẫn diễn ra công khai, cả ngày lẫn đêm. Người ta còn lắp cả mô tơ vào thuyền để di chuyển cho nhanh, bắt được nhiều cá, mà chẳng thấy cơ quan chức năng có động thái gì. Trước đây, nguồn lợi thủy sản tại sông rất dồi dào, môi trường nước rất sạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, thủy sản cạn kiệt, chất lượng nước rất kém, một phần do chất thải dân sinh và công nghiệp, một phần do thiếu đi những loài cá có nhiệm vụ xử lý chất thải hữu cơ tại dòng sông.
Tôi hay câu cá tại sông, mỗi lần kích điện đi qua lại thấy xót xa. Xót vì họ bắt được một con nhưng hại chết hàng trăm con nhỏ khác. Xót vì mình sống ở một đất nước có hệ thống pháp luật tương đối tốt, nhưng hệ thống thi hành pháp luật vẫn còn yếu nên để những hành vi vi phạm pháp luật công khai diễn ra hàng ngày mà không bị xử lý.
Chính vì vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, dẹp bỏ tình trạng vi phạm pháp luật một cách công khai này, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Đỗ Đức Trung