Tôi là tác giả của bài viết: "Người văn minh không ăn bất cứ con gì tìm được". Để làm rõ hơn quan điểm của mình, tôi xin khẳng định các luận điểm mình đưa ra không phải là sính Tây, sinh ngoại mà là dựa trên khoa học, thông tin về sức khỏe, dinh dưỡng, giá trị nhân đạo và cân bằng sinh thái. Tôi xin đưa ra vài giải thích để lý giải một số khúc mắc mà bạn đọc đặt ra:
Thứ nhất, tôi tôn trọng các ý kiến nhấn mạnh các đặc sản, các món ăn khoái khẩu như bạch tuộc sống, tiết canh, óc cừu, phô mai dòi, thậm chí cá mập thối... mà nhiều bạn nói là một phần của văn hóa, địa lý và phong tục tập quán địa phương. Tôi không phản bác rằng nó không văn minh. Nhưng đã gọi là "đặc sản" thì nó không dành cho thị trường chung, mà chỉ tồn tại ở một phạm vi cộng đồng nhất định. Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại, ăn gì cũng cần trả lời hai câu hỏi: Món ăn này có tốt cho sức khỏe không? Món ăn có hại cho sức khỏe không?
Các món mà cách chế biến có nhiều rủi ro, nhiều mốc, dòi, vi khuẩn, thì dĩ nhiên nguy cơ ngộ độc rất cao. Khi ăn uống không còn là chuyện thiếu thốn, người ta sẽ hướng đến ăn vì sức khỏe, ăn để nâng cao chất lượng sống và phòng ngừa bệnh tật. Các món nào khoái khẩu nhưng có vẻ không an toàn, không vệ sinh, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe thì sẽ dần dần không còn được chuộng nữa.
Thứ hai, tôi không nói rằng ăn nội tạng là không văn minh. Tôi cho rằng các nước phát triển không ưu ái phụ phẩm như lòng ruột, não, chân, đuôi... vì lý do khó bảo quản, khó kiểm định chất lượng, tiềm ẩn vi khuẩn, nhiều cholesterol không tốt. Đặc biệt, não bắt buộc bỏ vì nguy cơ nhiễm prions gây bệnh "bò điên". Các bộ phận trừ thịt có được tiêu thụ nhưng không được bán đại trà trong các chợ, siêu thị. Còn phần thịt có thể đánh giá tỉ lệ protein/ chất béo, có thể bảo quản và kiểm dịch tốt hơn nên thị trường tiêu thụ nhiều hơn.
Thứ ba, sự văn minh trong thực phẩm thể hiện ở cách nuôi trồng và khai thác động vật tốt hơn. Gia súc, gia cầm được nuôi trong trang trại có quản lý tốt hơn, phòng ngừa dịch bệnh đảm bảo hơn. Giết mổ cũng tìm cách nhanh hơn, giảm thiểu đau đớn. Tôi cũng nói ăn chay mới là văn minh (như một số ý kiến). Ăn chay là lựa chọn mỗi người, vì lòng thương xót loài vật chứ không liên quan vấn đề văn minh hay không? Cũng không ai lên án "bạn ăn thịt là không văn minh" cả.
Trong chuỗi thức ăn sinh học, cây cỏ lấy nước và ánh sáng làm năng lượng. Thú ăn cỏ, ăn cây, người ăn cây cỏ và thú. Nhưng với tiêu chuẩn sống cao hơn, người ta nuôi những con vật lấy thịt một cách khoa học và có trách nhiệm hơn. Nó còn là tư duy về mặt đạo đức. Nhân đây, tôi xin nhắc lại, lịch sử loài người có loài vật nuôi để lấy thịt, có loài nuôi để phục vụ lao động, và có loài nuôi để đồng hành như chó, mèo, nên xin đừng nói "lên án ăn thịt chó, mèo thì khỏi ăn cả heo, bò, gà...", vì mục đích chúng được nuôi khác nhau, được nuôi lấy thịt với quy mô an toàn chứ không phải đánh bả, bắt trộm.
Thứ tư, ăn uống là chuyện cá nhân. Nhưng ăn các loài vật để đẩy chúng đến bờ vực suy giảm số lượng là không nên. Động vật hoang dã nhiều loài đã ở bên bờ vực tuyệt chủng. Nay chỉ vì để thỏa mãn vị giác mà các con vật như rắn, tê tê, hươu... bị biến thành các món đặc sản. Một là các bạn không biết chúng có thể mang mầm bệnh gì (nhiều mầm bệnh không thể được tiêu hủy qua phương pháp chế biến dùng nhiệt), hai là tiêu thụ chúng góp phần làm mất cân bằng sinh thái.
Tôi có đề cập vấn đề khai thác tự nhiên. Hải sản vốn là thứ phải được đánh bắt tự nhiên chứ khó nuôi trồng. Nhưng khai thác có quản lý thì luôn chừa phần cho quần thể hồi phục ở mức cân bằng. Đó là lý do vì sao đánh bắt cá phải có quy định đánh bắt bao nhiêu tấn, đủ độ tuổi khai thác, nhỏ quá thì thả về biển. Khai thác mà để giống loài tuyệt diệt thì đáng lên án.
Một số bạn nói có người đi săn làm thú vui, rồi ăn con gì săn được. Đúng, đó là một thú vui của người nhiều tiền. Thậm chí ở châu Phi có người nhốt sư tử vô một khu vực cho sinh đẻ rồi thả cho người ta săn. Nhưng điều đó bị lên án rất gay gắt, những người đi săn bị kêu gọi tẩy chay. Liệu có phải ai cũng cần khoa trương, phải săn được con này quý hiếm, ăn được con kia quý hiếm mới là sang, thể hiện "tầm vóc", "đẳng cấp" của mình? Các cuộc đi săn hiện tại không quá phổ biến và nếu sau này người ta không chuộng nữa, nó sẽ dần bị mai một.
Người châu Á cũng có quan điểm tương tự, luôn thích sở hữu rượu rắn, sừng tê giác, cao hổ cốt, tê tê... vậy mới là đẳng cấp. Dù rằng các món trên đã được nghiên cứu là hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh, không tốt cho sức khỏe ngoại trừ mục đích khoa trương. Đây là một quan điểm khó thay đổi, nhưng rõ ràng, khai thác động vật hoang dã đã bị cấm, tàng trữ cũng là vi phạm pháp luật. Văn minh thể hiện ở giá trị tôn trọng tự nhiên, bảo vệ các loài đang bị đe dọa.
>> Dịch nCoV - tiếng kêu cứu từ những 'khu rừng lặng thinh'
Cuối cùng, có rất nhiều ý kiến nói vì sao người phương Tây vẫn bị ung thư và béo phì nhiều hơn người châu Á dù ăn uống "văn minh" hơn. Đây hoàn toàn không liên quan đến vấn đề văn minh hay không, mà là do lựa chọn chế độ dinh dưỡng. Các nước phát triển, ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành công nghiệp, cho sản lượng cao cung cấp cho thị trường nên họ không thiếu thốn về cái ăn, thậm chí trở nên thừa thãi khi thịt rẻ hơn rau. Nhưng vì món ăn họ lựa chọn nhiều calorie, nhiều thịt, nhiều đường, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ và ít ăn rau như các món châu Á, ít vận động... nên dẫn đến suy giảm sức khỏe.
Tôi tôn trọng ý kiến cho rằng món ăn châu Á có thể lành mạnh hơn các món Âu vì chế độ ăn nhiều rau, nhưng nó phản ánh tình hình kinh tế qua lịch sử. Tôi cũng tôn trọng ý kiến rằng phương Tây cũng nhiều món không tốt, không nơi đâu hoàn hảo. Nhưng tôi tin rằng mọi thứ sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn khi ý thức thay đổi. Thế hệ trẻ (millennials) ngày nay đã có những thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hơn rất nhiều. Ngày nay, con người hiện đại chú trọng hơn về chế độ ăn của họ. Hy vọng những thói quen xấu, phản khoa học, sẽ dần thay thế bằng thói quen tốt hơn, có lợi cho cả con người và tự nhiên. Đó là tư tưởng văn minh, tiến bộ thể hiện qua ẩm thực, không phải sĩ diện hão hay sính ngoại.
Tôi cũng chỉ là một sinh viên, nhưng với kiến thức được dạy ở trường, với thông tin được cập nhật ở xã hội hiện đại, tôi nghĩ mọi người đều có thể có một lựa chọn tốt hơn thông qua ẩm thực: có nguồn gốc rõ ràng hơn, an toàn hơn, dinh dưỡng hơn, lành mạnh hơn, và không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.