Một số người tự hào, lúc phim mới ra rạp ở Việt Nam, họ đi xem đầu tiên. Nhiều người lập tức chỉ ra Ký sinh trùng hay ở chỗ nọ, thâm thúy ở chỗ kia, chưa hài lòng ở cảnh quay này. Một số người khác thì nói Ký sinh trùng giật giải cao nhất Oscar không có gì bất ngờ, bởi điều này họ đã tiên đoán từ ngày đầu xem ở rạp rồi.
Số khác, chung vui với nước bạn Hàn Quốc đã có tác phẩm điện ảnh để đời, và không quên tự đặt câu hỏi: Khi nào thì đến lượt phim Việt vươn tầm ra châu lục và thế giới? Đây có lẽ là "Một câu hỏi lớn. Không lời đáp" (thơ Huy Cận).
Phim ảnh Việt hơn chục năm nay tìm đỏ mắt không thấy một tác phẩm nào nổi trội. Phim truyền hình vẫn có những diễn viên cứng đơ, kịch bản lỏng lẻo, nhàm chán. Phim rạp thì chỉ mong "phá đảo" phòng vé. Ca sĩ, người mẫu đi đóng phim, còn diễn viên thì đi đóng quảng cáo.
Điện ảnh nước ta vừa không có thế hệ diễn viên diễn xuất tốt, vừa thiếu những tay biên kịch có khả năng sáng tạo ra những kịch bản lay động lòng người. Vì thế, một số nhà làm phim bèn làm lại kịch bản của điện ảnh Hàn Quốc. Thật là hết chỗ nói, không lẽ lĩnh vực phim ảnh, người Việt lại tệ như vậy sao? Trong quá khứ, ngay thời xã hội còn thiếu thốn, điện ảnh Việt vẫn có những tác phẩm lay động lòng người.
Chỉ một tháng trước, nhiều thế hệ khán giả tiếc thương sự ra đi của diễn viên Nguyễn Chánh Tín. Ông được nhiều người nhớ qua vai diễn Đại tá Nguyễn Thành Luân, nhân vật được lấy cảm hứng từ tình báo viên Phạm Ngọc Thảo ngoài đời.
Nguyên tác kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của Nguyễn Trương Thiên Lý (tức nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng). Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là Ván bài lật ngửa. Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết.
Rồi những khán giả thế hệ 8x, 9x vẫn không quên được bộ phim Đất phương Nam với cậu bé An có số phận đầy trắc trở. Phim này được chuyển thể từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.
Phim Mùa len trâu được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Phim Cánh đồng bất tận được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư làm nhiều người xem bùi ngùi xúc động...
Hay như những bộ phim Kính vạn hoa, phim rạp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc...được chuyển thể từ những truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đã mang lại hiệu ứng rất tốt trong khán giả.
Rõ ràng giữa các bộ môn nghệ thuật có tính kế thừa lẫn nhau: điện ảnh hoàn toàn có thể kế thừa văn chương, âm nhạc.
Thật tiếc, theo dõi lĩnh vực văn chương nước ta nhiều năm nay, tôi không thấy có tác phẩm nào sáng giá. Một bằng chứng là kết quả giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018 có hai hạng mục quan trọng nhất là văn xuôi và thơ đều bỏ trống, vì không có tác phẩm xứng đáng. Không có đội ngũ nhà văn tốt, sẽ không có biên kịch hay. Nền văn chương giậm chân tại chỗ kéo theo ngành điện ảnh thụt lùi. Không có bột thì làm sao gột nên hồ?
Như vậy có thể thấy, cái mà điện ảnh Việt hiện nay đang thiếu là đội ngũ nhà sản xuất, nhà biên kịch có khả năng sáng tạo. Nếu nói diễn xuất của diễn viên là linh hồn của bộ phim thì kịch bản là khung xương. Khung xương có chắc chắn, có hay ho thì mới chắp cánh cho diễn viên có những vai diễn để đời. Ở chiều ngược lại, diễn viên có thần thái thì cốt truyện phim dù có nhạt cũng ghi dấu trong lòng người xem.
Bạn tôi vừa ra xem một phim ra mắt đợt Tết vừa qua và nói: "Phim không hay, chiếu chưa hết nửa thời gian mà người ta đứng dậy bỏ về hết".
Trình độ, nhận thức của khán giả Việt ngày càng cao. Sẽ có một ngày, các nhà làm phim không thể lấy những miếng hài cũ kỹ hay những gương mặt hotboy, hotgirl ra câu kéo khán giả bỏ tiền mua vé được nữa. Và nếu đội ngũ nhà làm phim không chịu thay đổi, không sáng tạo cao độ thì sẽ thua trận ngay trên sân nhà.
Một nền điện ảnh vừa không có tính thẩm mỹ, vừa không đem lại hiệu quả kinh tế, thì lấy gì "đem chuông đi đánh xứ người". Bao giờ điện ảnh Việt có giải Oscar như người anh em Hàn Quốc sẽ mãi là một câu hỏi cực lớn, khiến nhiều người "mặt phải chau".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.