"Tôi đoán ông ấy sẽ hành động. Ông ấy phải làm điều gì đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo ngày 19/1, nhân kỷ niệm một năm lên nắm quyền. Ông cũng thừa nhận rằng NATO đang chia rẽ về biện pháp ứng phó nếu Nga chỉ tiến hành một "đợt xâm nhập nhỏ" vào Ukraine.
Tuyên bố của Biden lập tức khiến chính phủ Ukraine lo lắng, cũng như lạc nhịp hoàn toàn so với quyết tâm bày tỏ đoàn kết mà NATO đã tìm cách thể hiện thời gian qua. Ông cũng đặt các cố vấn Nhà Trắng vào chế độ chạy đua kiểm soát thiệt hại, khi họ tìm cách giải thích rằng Tổng thống chỉ ám chỉ các cuộc tấn công mạng và hoạt động bán quân sự, chứ không phải một chiến dịch đưa quân qua biên giới Ukraine của Nga.
Bình luận viên Julian Borger của Guardian cho rằng tuyên bố của Biden đã khiến nỗ lực truyền tải một thông điệp mang tính kỷ luật và hoạt động ngoại giao suốt nhiều tuần qua "đổ sông đổ bể". Đây được coi là cú sẩy chân mới nhất của chính quyền Biden về chính sách đối ngoại, sau những vấp váp trong năm đầu nhiệm kỳ.
Theo Borger, điểm yếu của NATO và tính toán của Putin đã được giới phân tích thảo luận rộng rãi vài tuần qua, nhưng Biden đã tiết lộ điều không nên công khai, mâu thuẫn với những gì các quan chức trong chính quyền của ông đã đưa ra. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, trước đó nói với Foreign Policy rằng một trong những thành công lớn nhất của chính quyền Biden là "30 đồng minh của NATO đồng lòng trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine".
Cú sẩy chân của Biden trong căng thẳng biên giới Ukraine đã làm lu mờ một số thành tựu chính sách ngoại giao của ông trong năm đầu nhiệm kỳ. Hàn gắn liên minh, quay lại chủ nghĩa đa phương và khiến chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên dễ đoán định hơn được nhiều người xem là thành công lớn nhất về đối ngoại của Biden cho đến nay.
Đây là những điều vắng bóng trong bốn năm dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, người thường đặt lợi thế kinh doanh và chính trị trong nước trên lợi ích chiến lược quốc gia, theo Borger.
Tuyên bố "Mỹ đã trở lại" của Biden khi nhậm chức hồi tháng 1/2021 đã được củng cố thông qua việc nhanh chóng gia hạn gia hạn New START, giúp cứu vãn thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất còn tồn tại sau nhiệm kỳ của Trump. Mỹ cũng tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và quay lại bàn đàm phán hạt nhân với Iran.
Tất cả những bước đi này đều nhất quán với chiến lược lớn mà Nathalie Tocci, giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế ở Rome, mô tả là "học thuyết Biden".
"Tôi nghĩ rằng đó là định hướng chiến lược hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc, cũng như để củng cố quan hệ với đối tác châu Âu và châu Á về song phương lẫn đa phương", Tocci nói. "Nó ít dựa vào công cụ quân sự để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ".
Tuy nhiên, phát biểu để "hở sườn" trong vấn đề Ukraine không phải lần đầu tiên chiến lược đó bị suy yếu. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan ban đầu được cho là động thái giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến dài bất tận để tập trung vào thách thức địa chính trị quan trọng nhất, đó là sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Nhưng chiến dịch rút quân đó lại diễn ra một cách hỗn loạn. Cảnh những người Afghanistan tuyệt vọng cố bám lấy vận tải cơ Mỹ đang cất cánh có lẽ là một phần di sản không thể xóa bỏ của Biden.
Biden cho rằng ông không còn lựa chọn khác khi chính quyền Trump đã ký thỏa thuận hòa bình Doha với Taliban vào tháng 2/2020, trong đó nói rõ Mỹ phải rời đi vào tháng 5/2021. Biden đã có thể kéo dài thời hạn thêm 4 tháng, nhưng vẫn tin rằng ở lại Afghanistan lâu hơn chỉ khiến quân đội Mỹ phải đối mặt với những tổn thất lớn hơn.
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Biden cũng làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, khi họ cảm thấy bị bỏ rơi trước một động thái rút lực lượng mà họ bắt buộc phải tham gia.
"Chiến dịch rút quân thực sự đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết. Bạn có thể xem đó là gốc rễ gây ra những bất hòa trong liên minh này", Elisabeth Braw, thành viên cấp cao của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói.
Thỏa thuận AUKUS được Mỹ ký hồi tháng 9/2021 để cùng Anh giúp Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân là một bước đi lớn trong chiến dịch xoay trục sang châu Á của chính quyền Biden. Tuy nhiên, ba nước lại không thông báo và tham vấn với Pháp, quốc gia chịu thiệt hại lớn vì bị Australia hủy hợp đồng tàu ngầm diesel - điện.
Biden đã phải thừa nhận "vụng về" trong cách xử lý và tranh cãi liên quan đến AUKUS đã khiến quan hệ giữa Pháp với các đồng minh Mỹ, Australia căng thẳng suốt nhiều tháng.
Mối đe dọa của Nga với Ukraine đã giúp gắn kết liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng như Biden tiết lộ, nội bộ vẫn có những chia rẽ nghiêm trọng dưới lớp vỏ đoàn kết, làm hạn chế lựa chọn của ông.
Quyền tự do hành động của Tổng thống Biden đối với các vấn đề toàn cầu khác, như thúc đẩy các kế hoạch hành động về khí hậu và đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, sẽ còn bị cản trở nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.
"Trong trường hợp đó, những gì chính quyền Biden làm cho đến nay có lẽ là phần tốt nhất trong học thuyết của ông", Borger viết.
Thanh Tâm (Theo Guardian)