"Chúng ta có thể sửa chữa những sai lầm. Chúng ta có thể tạo ra những việc làm tốt cho mọi người. Chúng ta có thể đưa con em tới trường học an toàn. Chúng ta có thể vượt qua virus chết người này", Biden năm ngoái phát biểu trước một nước Mỹ đang bị chia cắt giữa đại dịch, vài tuần sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol.
Một năm trở thành "đầu tàu" dẫn dắt nước Mỹ, Biden đã làm được những gì? Vị thế của ông với công chúng hiện tại ra sao? 6 biểu đồ sau sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi này.
Tỷ lệ tín nhiệm
Theo RealClearPolitics, Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ với tỷ lệ ủng hộ là 56% và đã giành được hơn 80 triệu phiếu bầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào khác.
Nhưng trong năm đầu tiên, ông đã có một cú trượt dài, đánh mất đáng kể tín nhiệm của cử tri và để tỷ lệ ủng hộ rơi xuống 42%.
Tỷ lệ ủng hộ bắt đầu sụt giảm sau quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cùng sự xuất hiện của biến chủng Delta. Kể từ đó, mức tín nhiệm của Biden tiếp tục chao đảo khi ông phải vật lộn để hiện thực hóa lời hứa quan trọng từ chiến dịch tranh cử là chế ngự đại dịch và khôi phục thịnh vượng cho các gia đình lao động.
So với các tổng thống gần đây, duy nhất Donald Trump có năm đầu tiên đáng thất vọng hơn Biden, với tỷ lệ ủng hộ giảm từ 45% vào ngày nhậm chức xuống còn 35% một năm sau đó, theo viện thăm dò dư luận Gallup.
Cựu tổng thống Barack Obama khởi động nhiệm kỳ với mức tín nhiệm tương đối cao, gần 70%, và giảm xuống khoảng 50% sau một năm cầm quyền. George W. Bush bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên ở vị trí tương tự Biden, với khoảng 60%, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên gần 90% sau vụ khủng bố 11/9.
Covid-19
Tổng thống Biden tuyên bố rất rõ ràng rằng giải quyết đại dịch là ưu tiên hàng đầu của ông với một kế hoạch ứng phó tập trung vào các trụ cột chính là tiêm chủng đại trà và nâng cao năng lực xét nghiệm.
Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông đã gia tăng đáng kể khả năng cung cấp vaccine và hiện tại, khoảng 75% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều, trong đó 63% tiêm đầy đủ. Trẻ em dưới 5 tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine kể từ tháng 11/2021. 80 triệu liều tăng cường đã được tiêm để giúp chống lại biến chủng Omicron và người dân có thể đặt kit xét nghiệm nhanh miễn phí từ tuần này.
Nhưng thực tế là các biến chủng mới vẫn xuất hiện và một bộ phận người dân vẫn phản đối vaccine, đồng nghĩa đại dịch còn lâu mới kết thúc. Trong năm qua, Mỹ đã trải qua ba đợt bùng phát dịch lớn, khiến hơn 850.000 người chết, con số tử vong cao nhất thế giới được ghi nhận.
Kinh tế
Đối với nhiều người Mỹ, vấn đề số một đất nước phải đối mặt là kinh tế. Khi Biden nhậm chức, đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm và Mỹ phải đương đầu với thảm họa thất nghiệp do quãng thời gian đóng băng vì các biện pháp phong tỏa, hạn chế.
Sau một năm, việc làm đã phục hồi phần nào so với năm ngoái, với 6,4 triệu công việc mới. Dù tổng số việc làm vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, tỷ lệ người lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất gần 50 năm.
Nhưng những trở ngại kinh tế khác lại phát sinh. Hàng triệu người Mỹ đã bỏ việc để chờ cơ hội tốt hơn. Điều này cho thấy niềm tin rằng thị trường việc làm sẽ khởi sắc nhưng một số ngành công nghiệp đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trầm trọng, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy lạm phát tăng cao.
Giá tiêu dùng đã tăng 7% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến ngày 21/12/2021, mức tăng lớn nhất kể từ những năm 1980.
Theo bình luận viên Anthony Zurcher từ BBC, Tổng thống Biden nhậm chức khi "con tàu" kinh tế Mỹ bắt đầu "trở lại đường ray" sau một năm bị đình trệ vì đại dịch. Tin tốt cho ông là tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán bùng nổ và mức tăng trưởng kỷ lục. Tin xấu là những thách thức nảy sinh trong chuỗi cung ứng và mức lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nếu nền kinh tế có thể rũ bỏ những khía cạnh tiêu cực đó, tín nhiệm của Biden chắc chắn sẽ được cải thiện, nhưng các vấn đề rõ ràng không phải "nhất thời" như chính quyền đã tuyên bố.
Cải cách nhập cư
Một trong những lời hứa của Biden trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt tình trạng chia cắt các gia đình di cư và giam giữ trẻ em ở biên giới, một chính sách thời Trump khiến phe cánh tả tức giận.
Ông đã giữ lời khi chấm dứt cái gọi là chính sách "không khoan nhượng" và số lượng trẻ vị thành niên trong các trung tâm giam giữ đã giảm mạnh.
Nhưng kể từ khi Biden nhậm chức, Mỹ lại chứng kiến một làn sóng di cư mới tạo ra những thách thức thậm chí còn lớn hơn. Năm 2021, có gần hai triệu cuộc chạm trán giữa người di cư và các sĩ quan biên phòng Mỹ, trong đó, 165.000 vụ liên quan đến trẻ vị thành niên.
Các cải cách dài hạn vẫn là mục tiêu xa vời. Kế hoạch của Biden nhằm tạo tư cách pháp nhân cho khoảng 11 triệu người không có giấy tờ ở Mỹ đã bị đình trệ tại quốc hội và ông cũng thất bại trong nỗ lực lật ngược chính sách thời Trump là người di cư phải chờ đợi tại Mexico trong lúc đơn xin tị nạn của họ được xem xét ở Mỹ.
Trong khi đó, ông bảo vệ việc áp dụng chính sách của Trump cho phép chính phủ tự động trục xuất những người xin tị nạn không có giấy tờ để ngăn Covid-19 lây lan.
Thành tựu
Biden đã đạt được một số thành công ban đầu, đặc biệt là thông qua gói cứu trợ đại dịch 1,9 tỷ USD hồi tháng 3/2021. Ông cũng đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, tiêm 100 triệu mũi vaccine cho 50 triệu người trong 100 ngày và hủy bỏ lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội.
Bất chấp phản đối từ các đảng viên Cộng hòa và rạn nứt nội bộ đảng Dân chủ, ông vẫn thông qua được gói cơ sở hạ tầng trị giá một tỷ USD vào tháng 11.
Một thành tựu quan trọng khác có thể là nỗ lực bổ nhiệm thẩm phán của ông. Biden đã phê duyệt số lượng thẩm phán nhiều nhất trong năm đầu nhiệm kỳ kể từ thời tổng thống Ronald Reagan.
Tuy nhiên, Biden đã bị giáng một đòn mạnh vào tuần qua khi các thành viên đảng Dân chủ tuyên bố sẽ không giúp ông thông qua luật cải cách bỏ phiếu tại quốc hội. Đây không phải lần đầu tiên Biden bị khước từ. Các thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema và Joe Manchin, đảng viên Dân chủ ôn hòa ở các bang chiến trường quan trọng, cũng từng bác bỏ dự luật chi tiêu xã hội và chương trình nghị sự về khí hậu của ông.
Vũ Hoàng (Theo BBC)