Trong phòng trọ 15m2, đồ đạc ngổn ngang, bé gái hai tuổi cầm trên tay chiếc lồng đèn trung thu sáng lấp lánh, hỏi bố "Mẹ đi đâu rồi?". Người bố, 33 tuổi, ngồi nhìn con, lặng lẽ, mãi không trả lời. Đứa chị lớn hơn một chút, tỏ ra hiểu chuyện, nói với em: "Mẹ đi chữa bệnh, khi nào khỏe mẹ lại về nhé".
Xa mẹ hai tháng, giãn cách xã hội phải ở nhà, hai bé ít ăn, ít ngủ, dễ quấy khóc hơn bình thường. Ban ngày bé út chỉ ngủ được 30 phút là giật mình thổn thức, ban đêm thì cứ một tiếng rưỡi là trở mình kêu khóc, bố phải dỗ dành cho con uống sữa.
"Tôi biết hai con đang rất nhớ mẹ. Nửa đêm hôm qua các con mới chịu đi ngủ. Đứa lớn vẫn nghĩ mẹ đi chữa bệnh nên ít hỏi, còn đứa nhỏ cứ đôi ba tiếng lại đòi mẹ một lần", anh Phương chia sẻ. Anh chưa dám báo cho con tin mẹ mất.
Cũng vật lộn trong đại dịch, chị Dung, ở Bắc Ninh, cho biết từ ngày chồng mất do Covid-19, cuộc sống thêm phần khốn khó, "ai thuê gì làm nấy, ba cọc ba đồng để nuôi ba đứa con". Ngày chồng phát hiện nhiễm nCoV, chị và con trai đầu 12 tuổi, cũng dương tính. Hai chị em 9 tuổi và 5 tuổi, là F1, được đưa đi cách ly ở địa điểm khác. Sau khoảng 10 ngày, gia đình bàng hoàng nhận tin anh qua đời.
"Ngày chồng mất, tôi không được nhìn anh lần cuối, các con thì ở khu cách ly không thể chịu tang bố. Thương các con còn nhỏ, chưa nhận thức được hết, chỉ có con trai lớn là buồn bã, ít nói hẳn", chị Dung cho biết. Gần 4 tháng nay, ngôi nhà nhỏ của 4 mẹ con thiếu vắng tiếng cười.
Theo chị Dung, mọi năm ba anh em đếm từng ngày đến trung thu để bố mang bánh và quà về, "nhưng năm nay thì không". Khi con hỏi, chị phải lảng sang chuyện khác.
"Các năm trước, cả gia đình đón trung thu vui lắm, bọn trẻ tíu tít ngoài sân, vợ chồng trong nhà dọn cỗ. Giờ bố chúng nó không còn, tôi chỉ mong các con mạnh mẽ, sớm vượt qua", chị nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên trường ĐH Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, cho biết Covid-19 như một cơn sang chấn tập thể, nghĩa là ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ đột ngột mất người thân dễ gánh chịu những tác động tiêu cực ngắn hạn và dài hạn cả về thể chất lẫn tinh thần, có thể gặp những vấn đề tâm lý ở các mức độ khác nhau.
Trẻ dễ gia tăng xúc cảm tiêu cực như hoảng loạn, căng thẳng, lo âu, buồn bã, chán nản, tự ti hay tức tối, giận dữ, như bé gái nhà anh Phương. Lâu dần, trẻ có thể thiếu tương tác xã hội; nảy sinh hoặc gia tăng các hành vi tiêu cực như rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ hoặc có những hành vi nhằm thu hút sự chú ý quan tâm của người khác như phá hoại, chống đối...
Nhóm trẻ vị thanh niên có thể xuất hiện những hành vi như rối loạn hành vi, lạm dụng chất kích thích hay mạng Internet. Nếu bất ổn về tâm lý kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng sa sút về học tập, tự đánh giá thấp bản thân, suy nghĩ tiêu cực
Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết biến cố mất người thân khiến trẻ có thể gặp khủng hoảng từ nhẹ đến nặng tùy từng cá nhân, song đều là những ám ảnh, di chứng lâu dài. Một số em có thể trầm cảm, lo âu và ý định tự tử.
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn này, người chăm sóc trực tiếp cho trẻ là nguồn điều tiết chính về cảm xúc và cách ứng phó của trẻ. Khi trẻ khóc hoặc khó chịu, cha/mẹ hoặc người chăm sóc cần ôm hoặc vỗ về trẻ như một hình thức xoa dịu.
"Sự thoải mái về thể chất có vai trò rất quan trọng trong việc giảm bớt nỗi đau khổ của trẻ em khi có những chấn thương tâm lý", tiến sĩ Nhung nhận định.
Bên cạnh những nâng đỡ về mặt cảm xúc, gia đình cần giải thích cho các cháu về sự ra đi của người thân, về dự định tương lai, để các em có thể nắm bắt và chấp nhận một cách tích cực.
"Không nên che giấu hoặc đợi thời gian sau này con lớn mới nói khiến nỗi đau còn lớn hơn. Nhiều trẻ có thể quay sang thù ghét người xung quanh", tiến sĩ Hà khuyên. Gia đình cần giúp trẻ hiểu đây là rủi ro không ai mong muốn và dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì trẻ cũng không bị bỏ mặc.
Chuyên gia khuyến cáo, với trẻ nhỏ, có thể củng cố, khích lệ các em thông qua những phần thưởng hợp lý (cả vật chất hay tinh thần). Cha/mẹ, người chăm sóc cần thường xuyên trò chuyện, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em để kịp thời nắm bắt nhu cầu của trẻ, có thể tổ chức các hoạt động giao lưu bạn bè, vận động, vui chơi (vẽ, đàn, hát, võ thuật...) để tăng cường thể chất và tinh thần.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), cho biết trẻ có biểu hiện bất thường cần được bác sĩ tư vấn tâm lý, hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
"Những biểu hiện rối loạn tâm lý được điều trị sớm, tránh biến chứng sau này, nhất là với trẻ nhỏ", bác sĩ Chung nhấn mạnh.
Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 8, cả nước ghi nhận hơn 11.800 trẻ em nhiễm nCoV, hơn 27.300 trẻ là F1. Trong đó, TP HCM có khoảng 3.000 trẻ mắc Covid-19. Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM ngày 14/9, thành phố có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ do Covid-19, nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Thùy An - Lê Cầm