Trước khi đại dịch bùng phát, công việc điều hành chuỗi nhà hàng, karaoke mang lại cho bà Nga nguồn thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ các đợt dịch khiến việc kinh doanh phải tạm ngưng vì thuộc nhóm không thiết yếu. Nhiều tháng qua, người bệnh rơi vào tình trạng căng thẳng, không thể ngủ được dù đã sử dụng rất nhiều loại thuốc an thần.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng các phương pháp tư vấn tâm lý, châm cứu, chườm ấm bằng thảo dược và xoa bóp bấm huyệt, luyện tập dưỡng sinh thư giãn đồng thời kết hợp với dùng thuốc y học cổ truyền. Sau hai tuần điều trị liên tục với liệu trình lặp lại mỗi ngày, người bệnh ngủ được khoảng 2-4 giờ, vẫn còn lo âu vì công việc kinh doanh chưa được khôi phục.
Một bệnh nhân khác, chị Loan, 42 tuổi, làm nghề cắt tóc cũng thất nghiệp do dịch bệnh. Mất nguồn thu nhập chính và đang nuôi con nhỏ, chị bị lo âu kéo dài, dần dần khó vào giấc ngủ, ngủ ít và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Đến bệnh viện khám, chị được chẩn đoán trầm cảm. Sau một tháng điều trị, ngủ khá hơn, tình trạng lo âu có cải thiện nhưng vì nguyên nhân chính gây trầm cảm chưa được giải quyết nên chị Loan vẫn phải duy trì dùng thuốc mới thấy dễ chịu.
Hiện mỗi tuần Bệnh viện Đại học Y dược tiếp nhận 20-30 trường hợp rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và thậm chí rơi vào trầm cảm rất nặng... với nguyên nhân chung là bị ảnh hưởng từ Covid-19. Phần lớn người bệnh ở độ tuổi lao động, một số trong đó là quản lý hoặc chủ quản kinh doanh tự do.
Bác sĩ Hằng lý giải, TP HCM là đô thị lớn - nơi cư trú của 10 triệu dân, đến từ nhiều tỉnh thành. Người dân có nhu cầu sống cần đáp ứng ngày càng cao và các hoạt động không thể thiếu như ăn uống, giải trí, học tập và làm việc... Đại dịch kéo dài, phức tạp đã và đang làm cho những nhu cầu được xem là cơ bản này bị hạn chế.
"Đặc biệt, việc giảm hoặc mất nguồn thu nhập đã tác động mạnh đến sức khỏe tâm thần của nhiều người bệnh", bác sĩ Hằng nói.
Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly phong tỏa cũng làm gián đoạn giao tiếp xã hội. Người dân đa phần chỉ ở nhà, ở tại phòng trọ..., những nơi có không gian nhỏ hẹp không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thư giãn, xoa dịu bức bối.
Ngoài ra, người dân cũng phải đối mặt với tin tức tiêu cực liên tục được cập nhật hằng ngày, như số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong, hàng loạt tin giả... khiến tâm lý lo sợ dịch bệnh ngày càng tăng. Việc lo lắng khi nào đến lượt được tiêm vaccine phòng Covid-19, rồi tiêm vaccine có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không cũng làm cho tinh thần người bệnh trở nên căng thẳng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân ngay khi có những biểu hiện lo âu, căng thẳng, hay cáu gắt, buồn chán, ăn uống không ngon miệng như trước, người mệt mỏi nhiều và nhất là khó vào giấc ngủ, mất ngủ cần đến bệnh viện để khám và tư vấn điều trị sớm, giảm thiểu ảnh hưởng của những triệu chứng kéo dài này đến sức khỏe tinh thần.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thư Anh