"Vì sao đãi ngộ tuyển nữ không thể so với bóng đá nam?". Câu hỏi trên được đặt ra sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành tấm vé tham dự Vòng chung kết World Cup. Không ít người so sánh thành tích của bóng đá nữ với bóng đá nam và cho rằng mức đãi ngộ hiện tại tạo nên bất công với các cô gái vàng. Tuy nhiên, liệu đòi hỏi một mức lương thưởng tương xứng giữa các cầu thủ nam và nữ có thật sự hợp lý?
Đồng quan điểm, độc giả Antonio cho rằng: "Bóng đá cũng là kinh doanh, mà đã có đầu tư thì phải xem thu chi thế nào, lời lãi ra sao? Bóng đá nữ thiếu sân chơi (ít giải đấu), thiếu tính cạnh tranh (chênh lệch trình độ giữa các đội bóng nữ là rất lớn), thiếu thu nhập (thưởng ít, nguồn thu quảng cáo cũng không thể so với bóng đá nam)... Từ vô số lý do, trừ khi doanh nghiệp nào đó 'làm từ thiện' có tính lâu dài, cầu thủ nữ mới có mức đãi ngộ cao. Đó là chưa kể các cô gái đá bóng thiếu sức hút hơn nhiều mấy anh cầu thủ vì chuyên môn, thế nên các fan cũng lười xem các trận đấu nữ như đi bộ trên sân. Thế nên khó lòng đòi hỏi sự cân bằng trong mức đãi ngộ giữa cầu thủ nam và nữ".
Sau khi đoạt vé lịch sử dự World Cup 2023, thầy trò HLV Mai Đức Chung nhận "cơn mưa" tiền thưởng. Tổng số tiền thường mà đội nhận được đến nay đã lên tới con số gần 10 tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này vẫn chỉ bằng một góc nhỏ so với đội tuyển nam khi thi đấu ở giải đấu khu vực. Đó là lý do kiến nhiều người cho rằng mức thưởng cho tuyển nữ còn quá bèo bọt, nhất là khi thành tích lọt vào Vòng chung kết World Cup gần như là chuyện không tưởng với bóng đá nam.
Nhấn mạnh sự chênh lệch trong lương thưởng của bóng đá nam và nữ là hết sức bình thường, bạn đọc Hung Ha chia sẻ: "Không riêng gì Việt Nam, thế giới cũng chẳng có nước nào trả lương cho cầu thủ nữ hơn hoặc bằng cầu thủ nam. Không có nước nào người dân hâm mộ bóng đã nữ ngang bằng với bóng đá nam, chứ đừng nói đến chuyện nhiều hơn. Bóng đá nam được tôn là môn thể thao vua, nhưng môn thể thao hoàng hậu tuyệt nhiên cũng không phải là bóng đá nữ.
Ở khía cạnh khán giả, những trận bóng đá nam có phái nữ đến xem nhiều hơn hẳn so với những trận bóng đá nữ. Chính các chị em còn không thích xem bóng đá nữ thì sao đòi hỏi gì nữa? Nên tôi nghĩ bóng đá nữ sinh ra chỉ để phục vụ một số ít chị em có niềm đam mê đá bóng thôi, chứ đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày môn bóng đá nữ được quan tâm, được đầu tư nhiều như bóng đá nam, đó là điều không thể có".
Nói về câu chuyện đãi ngộ của bóng đá nữ, độc giả Nguyen Loc nêu quan điểm: "Chuyện chênh lệch đãi ngộ giữa nam và nữ trong thể thao là rất bình thường. Chúng ta sống trong một nền kinh tế thị trường và thứ gì thu hút nhiều người hơn sẽ được hưởng đãi ngộ cao hơn. Không chỉ chênh lệch rất nhiều giữa nam và nữ trong bóng đá (bóng đá cả thế giới) mà trong các môn thể thao khác cũng tồn tại tình trạng này. Nhà vô địch quần vợt có thu nhập gấp hàng trăm lần nhà vô địch bóng bàn, đơn giản là vì quần vợt được quan tâm nhiều hơn bóng bàn...
Bằng những thành tích của mình, tuyển nữ Việt Nam đang ngày càng được quan tâm hơn và đãi ngộ tốt hơn trước, nhưng để so với bóng đá nam là còn cả một chặng đường dài phía trước. Xin chúc chị em tuyển nữ Việt Nam ngày càng thành công hơn và sớm được cải thiện hơn cả về chế đội đãi ngộ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.