Tôi là một cựu bác sĩ từng công tác tại một bệnh viện ở Thủ Đức. Vừa qua, đọc thông tin nhiều đồng nghiệp "trốn việc" ra phòng khám tư, tôi cũng muốn nói rõ thêm nhiều vấn đề, góc khuất của nghề y để các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện này.
Thời tôi mới ra trường và đi làm ở bệnh viện, do lương thấp nên hầu như các bác sĩ trong khoa tôi, ai cũng có nhu cầu đi làm cố định một ngày ở phòng khám tư bên ngoài. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ phải trực cố định một ngày và ra ngoài cố định một ngày. Riêng tôi, do còn trẻ, nên xung phong trực hai ngày một tuần. Do tình hình khoa thiếu người (có hai bác sĩ đang đi học) nên tôi chỉ ra ngoài 1,5 ngày. Như vậy, tổng thời gian làm một tuần của tôi là 60 giờ, và tôi chỉ được ra ngoài 1,5 ngày.
Do nhu cầu bệnh nhân đến khám quá đông, nên ban Giám đốc bệnh viện chủ trương mở phòng khám sớm hơn, từ 6h hoặc 6h30. Bắt đầu khám sớm vậy nhưng đến chiều, bác sĩ vẫn phải về đúng giờ hoặc thậm chí trễ hơn để chờ bệnh nhân đi làm xét nghiệm. Buổi trưa, dù tới giờ nghỉ, nhưng có nhiều bác sĩ thương bệnh nhân cũng ráng ở lại chờ họ đi làm xét nghiệm về rồi cho thuốc luôn. Và những việc đó không bao giờ được tính giờ công cho bác sĩ.
Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi nói vui rằng: "Nếu tính toán giờ giấc chi ly quá, mai mốt đang mổ mà tới giờ nghỉ, chẳng lẽ buông dao, không mổ nữa, kệ bệnh nhân?". Tất nhiên, chẳng ai làm vậy cả, có điều khi "lửa nghề" đã tắt, thì gần tới giờ về, tôi tin sẽ chẳng bác sĩ nào mặn mà nhận mổ các ca mổ chương trình mà không phải cấp cứu. Họ cứ để bệnh nhân chờ thêm ngày này qua ngày khác. Khi đó ai là người chịu thiệt?
>> 'Nhiều người dễ dàng chửi bới bác sĩ'
Nói bác sĩ ra ngoài phòng khám tư là "ăn cắp giờ công của bệnh viện" chưa thật sự đúng. Chúng ta phải tính tới cả những lúc họ tự nguyện ở lại làm việc thêm hàng giờ đồng hồ vì bệnh nhân; hay khi họ chống dịch mấy tháng trời không kể ngày đêm ở bệnh viện dã chiến; khi họ ở lại bệnh viện tới tối muộn chỉ để hoàn thành ca mổ khó; hay khi họ phải dậy sớm, nhịn ăn trưa trễ để khám được nhiều bệnh nhân hơn... Có vậy mới là công bằng với bác sĩ.
Tôi biết ở nhiều bệnh viện không phải đầu ngành, đa phần bệnh nhân mổ là các bệnh ổn định. Vậy nên, thường trong khoa ngoại chỉ có điều dưỡng hoặc một bác sĩ trực. Các bác sĩ còn lại nếu không có ca mổ thì ở đó cũng không làm gì.
Đôi khi tôi chỉ có một ước mong, đó là hết ca trực được về nhà luôn, một tuần đảm bảo làm việc đúng 48 giờ, không bị ép buộc tăng ca, tăng giờ... Tất nhiên với tình trạng thiếu bác sĩ như hiện nay, ai mà cũng làm vậy thì bệnh nhân bỏ cho ai chữa? Nên chúng tôi đành phải gồng gánh. Thế nhưng, đáng buồn là điều nhận lại từ xã hội chỉ là những cay đắng, săm soi, dè bỉu.
Đúng là bác sĩ trốn việc ra ngoài làm phòng khám tư là không đúng luật, nhưng nhìn theo hướng ngược lại, những đòi hỏi, khối lượng và áp lực công việc mà xã hội đặt lên vai bác sĩ đã thật công bằng hay chưa?
Lê Chí Công
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.