"Không muốn cống hiến hết mình rồi bị sa thải tuổi 40, theo tôi, chỉ là lý lẽ của nhiều người để bao biện cho sự biếng nhác của bản thân. Với tôi, những người bấm giờ đứng dậy ra về có hai diện:
Thứ nhất là người làm rất nhiều, được giao xuống một khối lượng việc lớn, nhưng những công việc đó ít cần vận dụng sáng tạo, ít phải tìm phương án giải quyết. Khi kết thúc công việc, họ cũng mệt nhoài. Và những người này không phải là phần tử hạt nhân trong mỗi đơn vị, tổ chức. Tôi thông cảm với những người này, họ xứng đáng không bị làm phiền nhất khi đã kết thúc giờ làm việc.
Thứ hai là những người thích khôn lanh, trong giờ làm ăn cắp được chút thời gian nào là thấy thắng lợi chừng ấy. Họ chỉ đợi hết giờ là đứng dậy nhanh nhất có thể cho khỏi thiệt thân. Những người này có lối tranh cãi thủ lợi nên tôi cũng miễn bàn.
Còn với những người làm việc nghiêm túc, luôn cố gắng làm việc thật trách nhiệm, thì thường không quá chú ý đến thời gian. Họ có thể về muộn một chút nếu thấy công việc đang dở dang, thậm chí có khi còn tiếc nuối nếu đang vào mạch làm việc. Và họ cũng có thể rời công ty sớm nếu có việc riêng quan trọng cần phải ưu tiên xử lý, tất nhiên họ không lợi dụng điều đó. Nên đừng vội đánh giá họ là thiếu cống hiến.
Với những người này, tôi chưa thấy họ né tránh nhận điện thoại của sếp ngoài giờ. Nếu bận việc riêng chưa thể bắt máy ngay thì họ có thể gọi lại sau đó khi nhận ra số quen của cấp trên. Dĩ nhiên, nếu việc không gấp, họ sẽ ghi nhận điều người gọi phản ánh và đưa ra cụ thể phương án, thời gian giải quyết sau. Lợi thế của những người này là họ có kỹ năng sắp xếp công việc, thời gian, có trách nhiệm, nên được tin tưởng và thường không bị ép.
>> 'Tôi cho nghỉ việc ngay nhân viên giỏi nhưng không biết cống hiến'
Thế nên, hãy làm việc hết sức mình để minh chứng bản thân và có thể ra giá với người thuê mình. Và nếu không được tưởng thưởng xứng đáng với những gì đã làm, thì với khả năng, trình độ, năng lực tích lũy được, bạn hoàn toàn có đủ thuận lợi khi kiếm cơ hội ở chỗ khác.
Còn ngược lại, nếu bạn chỉ làm việc cho có thì sẽ nhận lại được gì? Lương không cao, trình độ làng nhàng, tích lũy kinh nghiệm thấp... Khi đó, nếu bạn có bị sa thải ở tuổi nào thì cơ hội để kiếm được việc mới hay tự mình làm chủ cũng đều rất thấp. Suy nghĩ một tích cực, nếu lo sợ tuổi 40 bị sa thải thì mỗi người lại càng cần chuẩn bị ngay từ hiện tại, từ tài chính đến khả năng bằng cách rèn luyện bản thân mỗi ngày".
Đó là quan điểm làm việc cống hiến trên đây của độc giả Tiến sỹ Gàn sau bài viết "Không nghe điện thoại của sếp sau giờ làm". Để đánh giá một nhân viên có làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp hay không, có người đánh giá dựa vào chất lượng công việc, doanh số; người lại đánh giá cao về mặt ý thức, tổ chức kỷ luật. Nhưng cũng có người lại đánh giá nhân viên ở sự cần mẫn, chăm chỉ làm việc, sẵn sàng tăng ca bất cứ lúc nào.
Nhiều người cảm thấy bất bình khi bị chê trách là thiếu chuyên nghiệp vì cứ hết giờ là đứng dậy đi về. Nhưng một người trong giờ chểnh mảng rồi phải ở lại làm thêm giờ hay mang việc về nhà làm buổi tối, cuối tuần, liệu có chuyên nghiệp hơn một người có thể hoàn thành trọn vẹn công việc ngay tại công ty, thậm chí trước thời gian quy định rồi về sớm? Việc hết giờ đứng dậy ra về có phải thước đo chính xác để đánh giá sự chuyên nghiệp của nhân viên?
* Bạn có sẵn sàng ở lại công ty muộn, làm việc ngoài giờ?
- '18 năm cống hiến vẫn bị sa thải khi còn 20 tháng đóng bảo hiểm xã hội'
- 10 năm sống chết cống hiến vẫn bị công ty 'đẩy ra đường'
- Đổi đời sau ba năm bớt cống hiến cho công ty
- 'Bị đuổi khéo sau khi dành cả thanh xuân để làm việc cống hiến'
- 20 năm ngu muội cống hiến vì tin lời hứa hão của sếp
- Tôi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc dù cống hiến suốt 5 năm