"Tôi thành lập công ty từ năm 2007 đến nay, vì thế, có thể nói kiểu nhân viên nào tôi cũng từng gặp qua. Tôi quý trọng những người làm việc tích cực, có trách nhiệm. Có thể họ không được thông minh, sáng tạo, nhưng ngược lại rất kiên trì, chịu học hỏi, và quan trọng là có sự trung thành, cố gắng. Bản thân tôi tôn trọng điều đó, vì thế khi gặp bất kỳ biến đông gì, kể cả dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù công ty không hoạt động, tôi vẫn cố gắng chu cấp đầy đủ, để giữ lấy họ.
Còn ngược lại, dù một số người thông minh, khéo ăn nói, nhưng không có sự cố gắng, tệ hơn nữa là 'đứng núi này trông núi nọ', thì tôi sẵn sàng cho nghỉ ngay, khỏi cần nói nhiều, hay phải chờ đợi đến đợt giảm biên chế. Là chủ doanh nghiệp, tôi đề cao sự trung thành và cố gắng hơn tất cả".
Đó là quan điểm của đọc giả Nguyenhoangdien sau câu chuyện "10 năm sống chết cống hiến vẫn bị công ty 'đẩy ra đường'". Chọn nhân viên có trình độ cao hay thái độ tốt từ lâu đã là câu hỏi khiến người người sử dụng lao động phải đau đầu. Nhiều người trẻ ngày nay cũng đánh mất dần niềm tin vào sự trung thành và cống hiến cho công ty. Thay vào đó, không ít người chọn làm việc vì lương, thưởng theo kiểu chế độ cao thì mới làm nhiều.
Là một người có cùng suy nghĩ như vậy, bạn đọc Lucid Lynx cho rằng: "Thời đại nào rồi mà vẫn còn những tư duy kiểu gắn bó, trung thành với công ty để được bằng khen, tuyên dương? Đi làm thuê nghĩa là đi bán sức lao động, người bán sức lao động thì cứ lo làm sao cho sản phẩm mà mình được bán với giá tốt nhất, mang lại giá trị cao nhất cho người mua.
Còn người mua sức lao động muốn có thêm lòng trung thành và sự gắn bó thì cứ trả thêm tiền, trả càng nhiều thì lòng trung thành sẽ càng lớn và sự gắn bó cũng dài theo. Trong mối quan hệ mua bán này chẳng tồn tại cái gì gọi là tình cảm. Hết nhu cầu trao đổi, hay hết khả năng trao đổi thì đường ai nấy đi thôi.
Những ai còn tư tưởng công ty yêu mình vì mình cống hiến, gắn bó lâu năm với công ty, công ty thương mình lắm... thì người đó có thể đang bị ảo tưởng. Điều quan trọng nhất là mỗi người hãy yêu công việc của mình chứ đừng có quá lụy vào công ty".
>> Đổi đời sau ba năm bớt cống hiến cho công ty
Đồng quan điểm, độc giả TTN nhận định: "Công ty không phải là tổ chức từ thiện, bạn làm lợi cho họ thì họ giữ, khi khó khăn thì họ sa thải bạn để nuôi sống những người còn lại có giá trị hơn. Nếu bạn làm chủ, bạn có sẵn sàng trả lương để giữ những người làm không tốt trong tình huống khó khăn không?
Làm việc thì phải cống hiến hết sức để đạt hiệu suất tốt, nhận mức lương cao, vị trí cao, chứ không phải cứ hùng hục như trâu rỗi vỗ ngực 'cống hiến'. Chúng ta phải luôn học hỏi và nâng cao kỹ năng cho bản thân mình. Chứ nếu cống hiến mà không được công nhận thì tốt nhất là chuyển việc khác, tìm môi trường tốt hơn.
Cùng làm ra 100 sản phẩm mà một người phải trả lương cao (cống hiến lâu năm) và một người chỉ cần lương thấp (nhân viên mới) thì bạn chọn thuê người nào? Bạn nghĩ công ty sẽ tiếp tục nuôi bạn vì sự cống hiến sao? Cứ nghĩ thế này, bạn đi mua hàng cũng luôn chọn hàng cùng chất lượng nhưng giá rẻ hơn mà, đúng không? Để làm được điều đó thì công ty phải làm thế nào để hạ giá sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, giảm lương nhân công.
Tốt nhất, bạn vẫn phải luôn học hỏi để nâng cao giá trị của bản thân, khi đó công sức bỏ ra sẽ tương xứng với số tiền nhận được. Hãy thử làm chủ để biết trong giai đoạn khó khăn bạn phải xử lý thế nào? Bạn sẽ bán nhà, bán đất để duy trì trả lương cho tất cả nhân viên hay cắt giảm nhân sự để vượt qua khó khăn trước mắt?".
Trong khi đó, nhấn mạnh giá trị của nhân viên trung thành, cống hiến, bạn đọc Rose bình luận: "Người sử dụng nhân lực luôn đánh giá cao những nhân viên nỗ lực, chăm chỉ và có trách nhiệm, đó là điều đương nhiên. Vì một số bạn mãi là nhân viên nên điều này không thể nào hiểu được. Có nỗ lực mới có thành công, có phát triển, có thăng chức, tăng lương và những đãi ngộ khác. Nhân viên có năng lực có tinh thần cầu thị thì cũng dễ dàng tìm việc ở nơi khác hơn.
Sự trung thành (nếu có) được thể hiện qua thái độ, không phải lời nói, nên đừng bảo tin hay không ở đây. Làm việc và nhận lương là trách nhiệm đi đôi với quyền lợi, chẳng có công ty nào bắt bạn làm việc không lương nên đừng kêu ca, đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Việc tăng lương, thăng chức chắc chắn chỉ diễn ra với những nhân viên có trách nhiệm và năng lực, đó là điều đương nhiên. Vậy nên, nếu bạn làm tốt sẽ chẳng ai đuổi việc bạn, họ cần bạn còn không hết. Tôi gặp nhiều nhân viên lâu năm, họ trở nên chây ì, lười sáng tạo, thái độ kém nhưng cứ ỷ mình làm lâu thì công ty phải có trách nhiệm đến cuối đời với họ, thật nực cười phải không?".
- 'Bị đuổi khéo sau khi dành cả thanh xuân để làm việc cống hiến'
- 20 năm ngu muội cống hiến vì tin lời hứa hão của sếp
- Tôi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc dù cống hiến suốt 5 năm
- 'Rất khó để bắt nhân viên Gen Z làm việc cống hiến'
- Nhân viên không muốn làm việc ngoài giờ không công
- Người trẻ nên 'work smart' thay vì 'work hard'