Tôi từng làm việc cho một công ty của Nhật Bản. Do cơ chế quỹ lương từ công ty mẹ, nên tôi chỉ được tăng khoảng 500.000 đến 2 triệu đồng mỗi tháng sau mỗi lần review lương. Thế nhưng, thực tế, nhiều người ở công ty tôi vẫn sống chết làm việc để nhận giải thưởng "Employee of the month/ the year" (Nhân viên xuất sắc nhất tháng/ năm).
Riêng cá nhân tôi vẫn luôn tuân theo nguyên tắc "đảm bảo công việc vừa đủ, để dành thời gian làm thêm công việc khác". Và thật bất ngờ, thu nhập từ công việc tay trái của tôi cứ từng bước tăng dần. Khởi đầu với công việc làm thêm với thu nhập thấp, dần dần khoản này tăng đến bằng với thu nhập từ công việc chính, và rồi đã vượt gấp 2-3 lần.
Nói thêm là thu nhập kiếm thêm này, tôi chỉ chi tiêu một ít, còn lại là dành để đầu tư vào đất đai. Bù lại, tôi phải dành khá nhiều thời gian, công sức (kể cả lúc đi du lịch cùng công ty và ngày nghỉ cuối tuần) để làm các công việc thêm này.
Sau bốn năm tôi duy trì nhịp độ công việc như vậy, thì dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập tới, công ty mẹ ra quyết định cắt giảm nhân sự trên toàn cầu. Và chi nhánh công ty ở Việt Nam nơi tôi làm việc cũng không phải ngoại lệ. Công ty tôi cắt giảm đến 20% tổng số lượng nhân sự.
>> Đổi đời sau ba năm bớt cống hiến cho công ty
Dù nhân sự thuộc loại tốt, khá, hay bình thường, nhưng nằm ở bộ phận phải cắt giảm thì cũng lần lượt được gọi vào phòng họp để nhận thông báo cho nghỉ việc. Đáng tiếc, tôi cũng nằm trong số đó. Sau khi họp với ban lãnh đạo, tôi được thông báo công ty sẽ đền bù cho mình hai tháng lương, với điều kiện tôi chấp nhận "thôi việc tự nguyện".
Tôi thấy nước mắt lưng tròng ở một số anh chị đã gắn bó với công ty gần 10 năm. Họ lặng lẽ thu gom giấy tờ, cúp và các giải thưởng lớn nhỏ mà họ từng nỗ lực để giành được ở công ty và âm thầm rời đi. Tôi nhớ mãi bầu không khí u ám của ngày hôm ấy. Ai mà ngờ, cũng tại văn phòng này, cách đây không lâu còn rôm rả các hoạt động, event nội bộ, giờ chỉ còn những ánh mắt đượm buồn khi phải lo chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" cho ngày mai.
May mắn, trong suốt bốn năm qua, tôi đã kịp có thêm một nguồn thu nhập từ việc cho thuê bất động sản, cùng thu nhập duy trì từ công việc phụ, nên về tài chính, tôi không phải lo lắng quá nhiều. Ngược lại, thời gian này lại là khoảng nghỉ cần thiết để tôi dành thời gian cho những sở thích cá nhân của mình và gia đình, sau một hành trình làm việc liên tục.
Thế nên, cống hiến hết mình cho công ty chưa hẳn đã là một lựa chọn khôn ngoan trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động khó lượng. Mỗi người nên tự chuẩn bị cho mình những phương án dự phòng để không bị rơi vào cảnh hoang mang vô định khi một ngày xấu trời bỗng nhiên bị công ty đẩy ra đường.
- Tôi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc dù cống hiến suốt 5 năm
- 'Rất khó để bắt nhân viên Gen Z làm việc cống hiến'
- Nhân viên không muốn làm việc ngoài giờ không công
- 'Nhân viên tốt không đòi hỏi lương thưởng trước khi cống hiến'
- Nhân viên cần cống hiến trước khi đòi hỏi quyền lợi
- Nhiều người lầm tưởng 'cứ làm giỏi là phải được lên sếp'