"Ngay từ khâu đầu vào, các doanh nghiệp đã tự đánh đố mình. Người trẻ bây giờ khác thế hệ xưa, họ đã được bố mẹ mình, những người còng lưng trong nhà máy, trong xí nghiệp nuôi ăn học, họ cảm nhận được khổ sở của bố mẹ và họ chỉ là không muốn tiếp tục con đường đó.
Gen Z bây giờ họ tiến bộ, họ tư duy hơn, cũng là công nhân, nhưng họ đi xuất khẩu lao động, cũng là làm việc tay chân, nhưng họ chọn đi ra nước ngoài.
Nếu doanh nghiệp không trọng người, sử dụng lao động thì cứ nghĩ là không được thì lại tuyển một lớp lao động mới, nhưng bây giờ lấy đâu ra?
Các bạn sa thải những lao động trung niên, lớn tuổi với lý do họ yêu sách, đòi tăng lương, đòi đãi ngộ. Vậy nhưng lại đòi tăng năng suất lao động, tăng giờ làm... yêu cầu họ cống hiến, thức khuya dậy sớm khi đơn hàng quá tải.
Vậy nên, hãy nhìn nhận lại thực tế của nguồn lao động và có hướng điều chỉnh hợp lý".
Độc giả tqcuong6686 cho rằng các doanh nghiệp đã tự đánh đố mình khi sa thải người trung niên lại than khó tuyển Gen Z, sau thông tin Nhà máy đối mặt khủng hoảng thiếu nhân lực Gen Z.
Theo đó, Gen Z ngày càng chiếm số đông trong lực lượng lao động nhưng lại thờ ơ với các ngành công nghiệp sản xuất khiến nhà máy đối mặt khủng hoảng thiếu nhân lực thay thế.
Độc giả hiennha98 nói: "Không chỉ trẻ mà người già cũng tìm cách đi xuất khẩu lao động thời vụ hoặc 3 năm, 5 năm. Gen Z mà có điều kiện hơn thì học tiếp đi làm văn phòng, số còn lại tận dụng sự phát triển của mạng xã hội mà kiếm tiền.
Nhiều doanh nghiệp bây giờ vẫn còn tư duy bào sức lao động triệt để sau đó gần 40 thì sa thải, thì nguy cơ giải thể cao và buộc tìm nước nghèo khác có nguồn lao động dồi dào hơn".
Độc giả Bùi Hữu Đăng Khoa sinh năm 1988, mong muốn gắn bó với công ty nhưng lại bị chê tuổi tác:
"Có một sự thật khá là buồn cười như vầy: Các xưởng may chạy theo "trendy" tuyển dụng đào tạo lứa Gen Z (sinh năm 1997 về sau này) trong khi các em nó không hề yêu thích cũng như định hướng đi ngành này vì cực và các em không chịu được áp lực công việc.
Trong khi đó lứa 8x, 9x (như tôi sinh năm 1988) có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng tốt, có tinh thần cầu tiến, có mong muốn được cống hiến ở một công việc ổn định thì quý công ty lại chê già, chậm tiến và không tuyển dụng".
Độc giả Châu nói: "Tăng lương là xu hướng tất yếu về dài hạn vì năng suất lao động xã hội tăng. Trong một giai đoạn cụ thể thì tăng lương còn tùy vào khả năng, kế hoạch kinh doanh, nhân sự của doanh nghiệp. Không tìm được người trẻ thì tìm ở thế hệ già hơn, tìm cách cải tiến quy trình, công nghệ hỗ trợ... không lẽ chịu chết?
Khi chi phí nhân công tăng cao (lương cao) quá so với trình độ phát triển và năng suất lao động của địa phương, quốc gia và khu vực thì tự nhiên các doanh nghiệp sẽ chuyển sản xuất, kinh doanh đầu tư ra chỗ khác. Nhu cầu lao động giảm, tự khắc thị trường lao động sẽ cân bằng lại khi cung cầu gặp nhau.
Nhiều người thuộc thế hệ Z có cuộc sống khá tốt nên sẽ không chấp nhận vất vả, gò bó và ý chí cũng kém đi so với thế hệ trước.
Hãy cứ để thị trường và cuộc sống quyết định. Thế hệ nào thì khi đói đầu gối phải bò. Muốn có thu nhập thì phải lao động".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.