Tình cảm gắn bó thông qua "giọt máu" khó nói, khó giải thích nên tôi tạm để riêng không nói. Về giáo dục, bố mẹ, ông bà luôn dạy rằng anh em phải đoàn kết, thương yêu nhau, rằng anh phải nhường em... Trong thực tế luôn như vậy, nhất là các gia đình khó khăn trong kinh tế. Người anh khi chưa lập gia đình, khi cả nhà khó khăn thiếu thốn, làm ra đồng nào anh cũng sẽ đưa hết cho mẹ để lo cho gia đình.
Ngược lại, người em khi lớn lên, kiếm ra tiền thì anh đã có gia đình. Gia đình anh là một thể tách rời nên em nếu có điều kiện cũng chỉ lo cho mẹ chứ không lo cho anh.
Quan hệ vợ chồng, sống với nhau 50-60 năm nên sẽ có điều kiện thân thiết, gắn bó hơn nhiều so với tình anh em. Mọi người thống kê 5-10 năm đầu là thời gian thử thách nhất của hôn nhân, khi hai bên mài bớt góc cạnh của mình để dễ dàng gắn kết nhau hơn. Nếu hòa hợp nhau (mà không phải chịu đựng nhau) thì tình cảm vợ chồng sẽ càng gắn bó khăng khít theo thời gian.
Cuộc sống, dù là anh en hay vợ chồng thì cần nhường nhịn nhau mới duy trì bền lâu. Nhưng quan hệ em dâu - anh chồng... khá xa lạ nên ít nhường nhau. Khi có mâu thuẫn, khó hàn gắn. Quan hệ vợ chồng lúc này gần gũi, nhiều ràng buộc hơn nên thường thì tình anh em sẽ bị chia cắt chứ ít khi vợ chồng bị chia cắt.
Người phụ nữ khi về nhà chồng, sẽ có quan hệ với nhà chồng cỡ 60 năm nên nếu không hòa nhập được để thực sự thành người "con" trong gia đình thì sẽ nhiều bức bối khó chịu. Khi hai vợ chồng không thể thống nhất được cách ứng xử với nhà chồng, nhà vợ để rồi ly hôn thì lỗi sẽ thuộc về người không hòa nhập được. Họ bắt bạn đời của mình phải hy sinh người thân trong khi nếu họ hy sinh thì chỉ là chút nhượng bộ, ủy khuất. Nếu họ cho rằng thà mất chồng, vợ chứ không muốn ủy khuất thì đã rõ tình cảm của họ với cuộc hôn nhân đó rồi.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.