Sau ý kiến Con út được chia hết tài sản là không công bằng, độc giả Từ Phước Hưng chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình:
Tôi xin kể câu chuyện về đời tôi, không phải thanh minh với ai, hay được lợi ích gì. Tôi là con trai một, có hai em gái. Một cô em gái nhỏ hơn hai tuổi hoạt bát, dẻo miệng, có một điều sau này mới nhận ra (ai có tiền thì đều có thể gọi là cha).
Khi tôi 17 tuổi mẹ mới sinh đứa em út, em ít nói, trầm tính (vì cha mẹ ly hôn em mới học cấp I).
Cha mẹ chúng tôi cưới nhau khi nghèo khó, sanh tôi ra được vài tháng họ đã tha phương tỉnh này, tỉnh nọ để lập nghiệp, tôi sống với nội khi được vài tháng tuổi, em gái tôi khi sanh được vài tuổi thì ngoại nuôi, đến năm tôi được 8, 9 tuổi cha mẹ tôi có nhà ở chợ, có xe hơi, xe tải, dưới sông có vài chiếc ghe lớn, nhưng họ vẫn không đón tôi về, tôi rất nhớ cha mẹ và em.
Một năm tôi mới được ở gần cha mẹ được vài ngày vào dịp nghỉ hè, còn em gái thì được cha mẹ đón về, học hành, quần áo đẹp, đồ chơi rất nhiều, tôi thì không. Đến năm tôi đang học lớp 6, gần thi học kỳ 2 thì cha mẹ kêu tôi nghỉ học.
Họ đón tôi về, tôi rất vui, thế là cha mẹ rước tôi về, lúc đó tôi tưởng sẽ có một gia đình giống như tôi hằng mơ. Nhưng không, họ làm ăn thất bại, họ bán hết nhà, xe, ghe lớn, tôi về với cha mẹ được nửa tháng.
Tôi cùng cha mẹ xuống một chiếc ghe nhỏ (em tôi về với ngoại) từ ở chợ Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xuôi ghe lên đến Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Lên đến nơi cha mẹ tôi xin cất nhà nhờ trên đất của người ông. Cất nhà xong, tôi ở nhà bán hàng (trái cây, đồ nông sản) họ đi chợ Cái Bè (Tiền Giang, quê ngoại) lấy hàng.
Đi được vài chuyến họ một lần nữa bỏ tôi lại đó, một mình tự sống khoảng một tháng, lúc đó sắp thi kỳ 2 của lớp 6. Một tháng sau người ông mới rước tôi về chợ Phước Xuyên, và sau đó đưa tôi về nhà ngoại ở Cái Bè (lúc đó cha mẹ tôi đã lên TP HCM).
Họ lên đó được một tháng lại rước tôi lên và tiếp tục công việc phụ cha mẹ buôn gánh bán bưng, nhà thuê nhỏ chứa dừa tươi, trái cây chật hết nhà. Cho nên buổi tối tôi trải một chiếc chiếu nhỏ xuống lòng đường để ngủ (11h30 đường phố mới trống).
Cứ như thế vài năm sau cha mẹ tôi sinh thêm một em gái út lúc đó tôi 17 tuổi. Vừa phụ cha mẹ, vừa chăm em (em gái kế tôi thì 15 tuổi, ở với ngoại). Ở nhà thuê vài ba tháng chuyển nhà một lần rất vất vả.
Tôi 18 tuổi, mẹ nói với tôi lấy vợ, tôi không đồng ý. Nhưng mẹ tôi đã năn nỉ tôi, và nói lý do kêu tôi cưới vợ là mướn một người làm cũng tầm 2 triệu thời điểm đó, con cưới vợ mẹ chỉ tốn 10 triệu). Tôi rất buồn, và đã đồng ý. Đó là lý do tôi không dám tâm sự với bất kỳ ai vì tôi sợ vợ tôi biết sẽ rất buồn.
Sáng tôi cùng với cha mẹ và cô bà con của vợ tôi bây giờ, bên vợ tôi cũng gặp rất nhiều bất hạnh, gia đình vợ đông anh chị em 10 người, vợ tôi thứ 8, mẹ vợ mất lúc vợ tôi 3 tuổi, cha vợ sống một mình nuôi tất cả. Cho nên có người hỏi cưới ông không đòi hỏi, chỉ mong con hạnh phúc.
Khi cưới được một năm ông mất vì bị ung thư lưỡi. Khi cưới vợ về, vợ chồng tôi phải thức lúc 1h để ra chợ dọn hàng (cha mẹ tôi đi lấy thịt heo) vừa phụ cha mẹ, vừa chăm em mới được tuổi mấy, được vài tháng cha mẹ đón em gái kế tôi lên ở chung để khi khuya vợ chồng tôi ra chợ thì em gái tôi ngủ với em út..
Công việc của em gái tôi là ngủ đến 9, 10h sáng dậy đi ăn sáng, về nhà không quét được cái nhà, hay giặt một cái áo, cơm thì càng không, rửa chén thì khỏi. Tất cả vợ tôi làm mọi việc, mà còn bị rầy la. Vợ tôi buồn tôi chỉ biết an ủi (lúc đó tôi rất nhu nhược). Vợ tôi cũng cắn răng mà làm, giặt không hết bị em gái tôi chửi, mẹ tôi bênh vực em gái.
Đến vài năm sau gia đình tôi mở quán cơm, có thời nên rất đắt khách. Vợ chồng tôi càng cực hơn, phụ từ 1h, 6h sáng ra quán cơm phụ làm đến gần 1h trưa không có thời gian ăn cơm, tôi thì giao thịt cho mấy công ty tận ở Bình Dương đến 11h mới về đến quán cơm.
Là phụ bán, 1h trưa quay sang làm hàng giao khách. Buổi chiều đến tối lại phụ quán cơm. Nói thật làm cực hơn mấy người giúp việc ở nhà nữa. Em gái tôi thì ngủ đến 10h thì ăn sáng, 11h đứng thu tiền, xong chiều thì đi chơi, ăn mặc thì đồ hiệu. Vợ chồng tôi quanh năm chưa có được vài bộ đồ (hàng chợ, chứ hàng hiệu thì nằm mơ cũng không thấy). Em tiền tiêu thì bao nhiêu cũng có, vợ chồng tôi trong túi chưa được 100 nghìn đồng,
Bây giờ đôi khi vợ chồng tôi hay đi ăn hủ tiếu gõ (kỷ niệm làm đến khuya vợ chồng tôi đói quá đi ăn vỉa hè, gọi hai tô cháo, ăn xong hồi hộp không biết có đủ tiền trả không, vì chỉ có hai mươi mấy nghìn, nhưng cuối cùng vừa đủ.
Sau vài năm em gái tôi lấy chồng, khi về nhà chồng mẹ tôi cho gần 300 triệu với đủ thứ vật dụng gia đình. Lúc đó mẹ tôi có một cái nhà cách em rể tôi mười mấy mét (nhà mua chung với dì). Tôi có hai cô con gái, đứa 2 tuổi đứa 3 tuổi. Mẹ tôi giận dì bắt vợ chồng tôi ra riêng về nhà đó ở với hơn hai mươi triệu đồng.
Nhưng tiền che thêm mái hiên trước nhà hết chục triệu, mua đồ nghề sửa xe hết chục triệu, lặt vặt trong nhà, không một đồng vốn để mua phụ tùng, chúng tôi phải tự bươn chải.
Hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ, trong người không được một triệu đồng. Làm ngày nào ăn ngày đó. Được gần hai mươi năm, ông bà làm không xuể gọi vợ chồng tôi về phụ. Đến năm thời vận không còn, bà về Vĩnh Long mở tiệm, giao lại vợ chồng tôi quán cơm với hai ngôi nhà cho thuê, nuôi em út ăn học, trợ cấp cha hàng tháng.
Lúc này gia đình sụp đổ, ông ăn chả bà ăn nem, tôi muốn hàn gắn gia đình nhưng không thành. Tôi trợ cấp ông hàng tháng 3 triệu đồng, tiền điện nước nhà ông ở riêng. Cha nói ít, trong khi đó vợ chồng tôi khi nhận quán, 11h khuya đi chợ Bình Điền lấy đồ, về đến nhà khoảng 2h sáng.
Làm cá, thịt, rau củ, để sáng cho thợ nấu, ngày ngủ được vài tiếng. Đến Tết trừ tiền thưởng Tết cho người phụ việc, thợ nấu này nọ, vợ chồng tôi còn không được 2 triệu. Không dám về quê thăm họ hàng, trợ cấp cho cha tôi 3 triệu ông chê ít, ông đòi lại quán, vợ chồng tôi ra đi 2012 với hai bàn tay trắng về Sa Đéc, Đồng Tháp thuê nhà đến nay.
Năm 2010 chúng tôi có thêm một bé gái, khi về Sa Đéc hai vợ chồng, ba đứa con không tiền. Cố gắng cho đến hôm nay, mẹ tôi bệnh tôi là người đầu tiên có mặt, khi tôi đến bà hỏi con gái đâu? Tôi sợ bà buồn nên nói là nó đến sau, nhưng 3 ngày chưa thấy mặt, sau đó bà nói với mọi người là em gái tôi lo hết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.