Tôi là tác giả của bài viết "Tình anh em". Có lẽ chỉ qua một bài viết ngắn thì các bạn không thể hiểu hết tình hình của gia đình chúng tôi. Nay tôi xin phép được nói sơ lược về gia đình của tôi.
Như tôi nói, ba bỏ mẹ và anh em chúng tôi khi em trai tôi vừa chào đời (1978). Gia đình chúng tôi phải đi kinh tế mới khi mẹ của tôi đi học tập cải tạo về. Có lẽ cuộc sống ở kinh tế mới "nước mặn phèn chua" quá cực nhọc nên ba tôi đã bỏ nhà ra đi.
Sau đó gia đình tôi chuyển về ở quận 4, chúng tôi thuộc diện nghèo ở khu phố. Một mình mẹ tôi tảo tần sớm hôm để buôn bán nuôi dạy tôi và em trai. Thế nên khi tôi 14 tuổi, tôi đã phải đi làm vào ban chiều đến khuya. Tôi chủ yếu làm việc để lo cho chuyện ăn uống và học hành của mình.
>> Anh cả và chị dâu lén sang tên đất thừa kế
Nhờ làm việc cật lực và tiết kiệm nên năm 1985 (tôi 15 tuổi), tôi mua được chiếc xe đạp ao ước. Có xe đạp thì tôi học hành và đi làm dễ dàng hơn. Tôi vừa đi học vừa đi làm đến năm 21 tuổi tôi mới tốt nghiệp cấp 3 (tôi sinh ra ở vào thời điểm chiến tranh nên việc học hành có phần bị trễ nải hơn). Tôi cũng ước ao được vào đại học, nhưng mà nhắm khả năng của gia đình mình nên tôi không thi đại học.
Năm 1992, mẹ của tôi bệnh nặng, bà không thể nào đi buôn bán được nữa. Vậy là tôi phải làm việc cật lực hơn để lo cho mẹ và em trai. Tôi làm việc rất nhiều và năm 1994 tôi dành dụm tiền để mở cơ sở in áo pull. Từ đây tôi tạo được việc làm cho cả nhà mình và gia đình chúng tôi thoát khỏi cảnh nghèo.
Đến 1998 thì tôi lập gia đình và năm 2000 thì tôi có con trai đầu lòng. Lúc này, tình hình làm ăn của tôi bắt đầu đi xuống, cuộc sống rất khó khăn. Tôi phải đóng cửa cơ sở in và chạy xe ôm để lo cho gia đình. Em trai của tôi lúc bây giờ cũng đã lớn nên vừa học vừa chạy xe ôm. Em ấy tốt nghiệp đại học xong thì đi làm. Tuy nhiên, em trai chỉ có thể lo cho bản thân mình chứ chưa có khả năng nuôi mẹ.
>> Khi con cả bị cha mẹ bất công
Năm 2003, mẹ tôi đổ bệnh. Chúng tôi lại gặp muôn vàn khó khăn khi phải chạy chữa bệnh cho mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ của tôi không qua khỏi, bà mất sau vài tháng.
Trước khi bà mất, bà biết trước là người yêu của em trai tôi là một người rất khó chịu, đanh đá và có phần tham lam. Vì vậy bà muốn để lại tài sản (căn nhà chúng tôi đang ở) cho riêng tôi.
Tôi không chịu điều đó, tôi muốn rằng nó là tài sản chung của anh em chúng tôi. Vì vậy khi mẹ của chúng tôi mất đi mà không có di chúc để lại dù bà tổ trưởng tổ dân phố và người nhà gồm bà ngoại của tôi và các dì đều biết ý nguyện của mẹ tôi.
Sau này, anh em chúng tôi thỏa thuận với nhau là để vợ chồng tôi đứng tên căn nhà và xin làm giấy tờ nhà (do nhà nước cấp cho ông ngoại tôi và sau này là mẹ tôi đứng tên). Trong thỏa thuận này thì tôi bỏ tiền ra làm giấy tờ nhà (chi phí hóa giá nhà). Nếu như sau này có bán nhà thì sẽ chia ra theo tỷ lệ tôi 55%, em trai tôi 45%. Cũng cần nói rõ là thỏa thuận này do chính tay em trai tôi làm sau khi cậu ấy được luật sư tư vấn.
Dù rằng trước đó tôi đã nhiều lần làm giấy thỏa thuận đều ghi rõ ràng là sẽ chia đôi cho 2 anh em, nhưng cậu em của tôi nghe lời cô vợ và xé những tờ thỏa thuận ấy.
>> Bố tôi nhường hết đất đai thừa kế cho anh ruột
Tại sao chúng tôi phải bán nhà? Tất cả do cô em dâu của tôi. Cô ta rất hay kiếm chuyện với tôi, nói xiên xỏ hoặc là gây sự với tôi. Dù em trai tôi không cho cô vợ gây sự. Nhưng mà sống cùng một nhà như thế thì rất khó chịu. Nên chúng tôi đi đến quyết định là bán nhà và chia tiền để mạnh ai nấy sống.
Lúc đó thì tôi không tính toán gì cả, tôi chia đều số tiền (sau khi đã trừ chi phí để làm giấy tờ hóa giá nhà).
Tại sao tôi nói tình cảm gia đình, anh em là trên hết? Vợ chồng thì có thể thay đổi hoặc là kiếm người khác? Tôi lấy ví dụ về gia đình tôi. Em trai tôi cưới vợ và rồi ly hôn. Vợ nó là người thân của nó, nhưng rồi khi ly hôn thì họ trở thành người dưng. Nhưng mà giữa chúng tôi vẫn mãi mãi là anh em.
Trong xã hội ngày nay, nhiều cặp vợ chồng khi ăn ở với nhau hạnh phúc thì mọi người sẽ cho rằng tình cảm của họ hơn hẳn tình nghĩa anh em. Thế nhưng khi cuộc sống hôn nhân của nhiều người không hạnh phúc, họ trở mặt với nhau, lúc đó giữa họ còn tệ hơn người dưng nước lã. Thậm chí có khi còn xem nhau như kẻ thù.
>> Tôi từ chối 400m2 đất thừa kế
Vì vậy mà một giọt máu đào hơn ao nước lã. Điển hình là cậu em trai của tôi. Cậu ấy đã mất 50% của căn nhà mới mua sau này, vốn có được từ việc thừa hưởng số tiền chia ra từ việc bán căn nhà của mẹ để lại.
Với tôi, nỗi buồn là việc mẹ của tôi ra đi đột ngột khi bà chỉ mới 56 tuổi. Tôi luôn yêu thương em trai mình và em trai tôi bây giờ khi bình tâm lại, nó suy nghĩ lại và cũng yêu thương tôi. Tình cảm anh em chúng tôi rất tốt. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đẹp của gia đình chúng tôi, lúc đó rất hạnh phúc khi cả nhà 3 thế hệ quay quần bên mâm cơm.
Các bạn có thể có những suy nghĩ về việc tôi kể, có bạn chỉ trích tôi là xem việc vợ chồng có thể kiếm được, thay đổi được là không đúng về mặt nhân cách và phũ phàng.
Nhưng mà có một thực tế là các bạn có thể thay đổi được người vợ hoặc chồng trong cuộc sống. Còn tình nghĩa anh em trong gia đình mình các bạn mãi mãi vẫn là người một nhà, không thay đổi được dù bạn có thương yêu hay ghét bỏ họ.
Chúng ta có thể chịu thiệt thòi một chút ít vẫn không sao, miễn sao chúng ta giữ được tình cảm yêu thương anh em trong một gia đình. Điều đó là mơ ước của các bậc làm cha mẹ khi chứng kiến sự yêu thương, đoàn kết của các con.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.