Sau thời gian cả ngày đi làm, buổi tối ở nhà là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của mọi người để tái tạo năng lượng và tiếp sức cho công việc ngày mai. Tuy nhiên, có một thứ ô nhiễm đã làm cho những thời gian thư giãn đó của tôi trở nên tồi tệ và "ám ảnh", đó là ô nhiễm tiếng ồn, mà cụ thể là tiếng ồn từ "sáo diều".
Ở khu tôi sống, hàng chục chiếc diều đeo trên mình những ống sáo to bằng cổ chân người lớn. Chúng bay lượn trên bầu trời, phát ra âm thanh "u u", "oe oe" suốt ngày đêm. Những chiếc diều sao trúc như vậy thường được neo cố định trên bầu trời suốt từ sáng đến tận chiều tối. Những ngày không mưa, người ta còn thả qua đêm. Càng về khuya, những âm thanh đều đều, ong ong phát ra từ sáo diều càng lớn hơn, khiến người dân chúng tôi cực kỳ khó chịu, bức xúc.
Hàng tháng trời, cứ hết chiếc nọ đến chiếc kia, có khi người ta còn tập hợp thả gần chục chiếc, thi nhau phát ra âm thanh kỳ quái. Ở trong nhà dù, tôi đã kéo rèm, đóng cửa kính kín mít để giảm âm, nhưng dường như không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn thứ âm thanh này.
Ngày nay, sáo diều không chỉ có tại vùng ven Hà Nội mà còn được "tung hoành" trên bầu trời khắp các miền quê Bắc Bộ. Thú chơi loại sáo diều này chủ yếu là của những người chơi diều tự do. Trừ những ngày mưa to, gió lớn, còn lại diều được thả xuyên ngày đêm với số lượng rất nhiều, kích cỡ cũng đủ loại, từ nhỏ tới rất lớn. Nhiều chiếc diều có sải cánh từ 3-5 mét, thân diều rộng từ một mét trở lên. Trên những con diều này được lắp ống kim loại, chế tác rất cầu kỳ, công phu. Thậm chí có cả một cột sáo hình tháp ghép 3-5 ống sáo lại với nhau.
>> 'Quyền làm ồn' ở quán cà phê
Các "tay đua diều" còn lắp cả thiết bị điều chỉnh tiếng sáo diều thành nhiều loại âm thanh như tiếng chó kêu, hổ gầm, trẻ con khóc, còi báo động... Chơi diều sáo vốn là thú chơi tao nhã, giúp những người chơi có thêm sức khỏe, sự khéo léo, chính xác. Đây từng là một thú vui lành mạnh, là hoạt động văn hóa thể thao tích cực. Nhưng ngày nay, nó dần biến tướng và trở thành mối nguy hại, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người xung quanh.
Không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn cho cả một vùng, việc chơi sáo diều còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn khi diều vướng vào đường điện gây chập cháy, mất điện diện rộng, tai nạn giao thông...
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau ô nhiễm khói bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 dB tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe. Tiếng ồn gây ra sự tác hại trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như: gây giảm thính lực, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch...
Theo quy định hiện nay ở nước ta, tình trạng âm thanh sáo diều vượt ngưỡng gây khó chịu cho người và động vật là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn). Do vậy, người dân rất mong mỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người cố tình thả diều sáo gây tiếng ồn lớn tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 20h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Bảo bối' xử phạt karaoke tra tấn
- Xử phạt karaoke 'tra tấn' không thể cảm tính
- Hàng xóm hát karaoke từ 6h đến 21h để né quy định xử phạt
- Cuộc chiến với tiếng ồn của hàng xóm từ 5 giờ sáng
- Tôi phát điên vì bị hàng xóm 'tra tấn' tiếng ồn
- Hát karaoke 'tra tấn' hàng xóm trước 22h vì nghĩ đúng luật