"Xóm tôi có một nhà hát karaoke bất kể ngày đêm. Nhà đó có một cô con gái học Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, nên ngày nào cũng hát, kể cả lúc tắm giặt hay rửa bát... Một nhà khác lại có bà vợ chăm chỉ thể dục, buổi sáng mùa đông mà cứ 5 giờ sáng là dậy bật nhạc tập tành một mình ở trước cửa nhà. Tiếng nhạc ầm ĩ những người xung quanh đều tỉnh ngủ. Rồi nhiều bà lão không ngủ được, rỗi việc nên dậy sớm, cứ 5h30 là buôn chuyện oang oang ở cửa ngõ.
Cũng may vì nhiều người kêu quá nên họ cũng đang giảm dần việc gây ồn. Tuy nhiên, cảnh nghe hàng xóm hát karaoke thì không cách nào giảm được. Họ là lao động tự do nên ngày nào rỗi việc là lại lôi nhau ra hát, cho cả xóm cùng nghe luôn. Đây là tôi ở nhà mặt đất, chứ nhiều người ở chung cư còn đáng sợ hơn nữa".
Đó là chia sẻ của độc giả Linh Lan khi bàn về một trong những "Tật xấu người Việt" là ồn ào. Đây không phải chuyện mới ở Việt Nam tuy nhiên sau nhiều tranh luận, biện pháp xử lý bằng luật, đến nay, tình hình dường như vẫn chưa được cải thiện.
Nói về thực trạng ô nhiễm tiếng ồn, bạn đọc Dong Van bình luận: "Tôi cũng là một người rất sợ tiếng ồn. Ở phương Tây, người ta đa số đều lịch sự, nói chuyện chỉ vừa đủ nghe. Khi làm gì họ cũng nghĩ cho những người xung quanh, tránh ảnh hưởng tới người khác. Còn người Việt ta nói riêng lại quen nói chuyện oang oang cho cả toa tàu hay cả xe buýt nghe luôn. Chúng ta chỉ nghĩ tới bản thân mình, còn người khác bị ảnh hưởng thế nào cũng mặc kệ.
Còn nói về môi trường ở Việt Nam, đúng là tiếng ồn đến từ mọi nơi. Khách sạn hay các chung cư chúng ta làm cách âm không tốt, nên những tiếng rao từ loa, nhạc hay tiếng còi xe đều nghe rõ ràng. Dạo này, người Việt lại có thêm nạn karaoke bằng loa kẹo kéo, tôi mới nghĩ tới thôi cũng thấy rùng mình.
Ở Australia, ai phát ra những âm thanh lớn, ảnh hưởng tới người khác đều có thể bị phạt. Theo quy định, khung giờ cấm làm ồn là từ 11h tối đến 7 giờ sáng (trong tuần) và 9h giờ sáng (cuối tuần). Với tôi, việc người Việt mới 5 giờ sáng đã ra công viên mở nhạc ầm ĩ để tập thể dục là một hành động rất vô ý thức".
>> Mệt mỏi vì những người vào viện thăm bệnh nhân ồn ào, lộn xộn
Liên hệ với ý thức giữ trật tự nơi công cộng của người dân phương Tây, độc giả Nguoixala khẳng định: "Tôi vừa đi xem đêm diễn văn nghệ của trường cấp hai nơi con tôi đang theo học tại Đức. Chương trình có hơn 300 khách mời gồm phụ huynh, học sinh. Trong thời gian chờ tới giờ mở của hội trường, người ta đứng dọc hành lang để uống cà phê và nói chuyện.
Dù người đứng gần như kín lối đi, thế nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng rì rầm nói chuyện rất nhỏ ở vài nơi, còn lại đa số người ta đều giữ im lặng. Nhiều gia đình đi chung đông thành viên nhưng tuyệt đối không nói chuyện ồn ào. Khi vào hội trường, tất cả cũng giữ nguyên thái độ như vậy cho đến khi buổi diễn bắt đầu khoảng một tiếng đồng hồ).
Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu trong trường hợp tương tự, tình hình thế nào chắc ai trong số chúng ta cũng có thể hình dung ra. Lúc tôi còn là giáo viên ở Sài Gòn, những buổi họp phụ huynh chỉ có khoảng 40 người thôi nhưng tôi phải nhắc lại tới hai lần: "Xin quý phụ huynh ổn định trật tự để chúng ta bắt đầu buổi họp". Chuyện ồn ào của người Việt đúng là một câu chuyện dài kỳ".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức giữ gìn trật tự cho người Việt, bạn đọc Thaonh kết lại: "Đúng là ý thức không làm phiền người khác của người Việt cực kỳ thấp. Nhưng chuyện đó cũng dễ hiểu bởi thử hỏi xem, có nơi nào từ gia đình tới trường lớp từng dạy chúng ta một cách nghiêm túc về việc phải tôn trọng quyền được yên tĩnh của người khác chưa? Người Việt dường như luôn mang một quan điểm rằng bản thân mình thấy không sao thì người khác cũng "phải" thấy không có vấn đề gì; mình hát karaoke, mở nhạc ầm ĩ thì người khác cũng "phải" thích nghe....
Điều cốt lõi là người Việt vẫn chưa học được cách tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Thế nên chúng ta cũng đừng thấy lạ khi đi ra thế giới, mình luôn bị người ta nhìn bằng một ánh mắt thiếu thiện cảm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.