Đó thực sự là một trải nghiệm hoang mang về bệnh tật mà một người trẻ phải trải qua. Lo lắng về tính mạng, chi phí chữa bệnh, gánh nặng cho người thân, mọi thứ luôn quanh quẩn trong đầu. Trong sâu thẳm tôi cảm thấy sợ hãi mặc dù lý trí luôn trấn an bản thân rằng phải mạnh mẽ và mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Trước khi quyết định đến bệnh viện để thực hiện ca mổ, tôi, giống như hầu hết những người bệnh có chút hiểu biết và cẩn trọng về thực trạng ngành y tế, đã đi tham khảo khá nhiều nguồn. Tôi tìm hiểu bệnh viện nào chuyên khoa, chất lượng bác sĩ tốt, chi phí hợp lý, thậm chí tìm hiểu cả trình tự các thủ tục khám bệnh, xét nghiệm cần thực hiện đối với căn bệnh của mình.
Sau nhiều cuộc bàn luận với gia đình, chúng tôi thống nhất đi đến một kế hoạch khám chữa bệnh chu toàn nhất. Trước tiên, tôi được đưa đi khám và xét nghiệm tại hai phòng khám tư lâu năm, uy tín (bác sĩ đều là người đã hoặc đang công tác tại bệnh viện lớn của tỉnh). Sau khi có kết quả ban đầu, gia đình tôi nhờ những mối quan hệ quen biết thân tình đã hẹn được vị bác sĩ ngoại khoa có tiếng hiện là phó giám đốc một bệnh viện khác của tỉnh khám lâm sàng và tiếp tục làm các xét nghiệm cần thiết tại chính bệnh viện này.
Phải khẳng định rằng gia đình tôi không phải có điều kiện hay bị hoang tưởng bệnh tật quá mức. Nhưng việc một người trẻ, lao động chính trong nhà lâm vào cảnh bệnh tật với những nguy cơ khó lường chắc chắn luôn là mối lo sợ không hề nhỏ cho người thân. Vốn cũng định nếu những kết quả khám bệnh có chiều hướng tích cực, tôi sẽ yên tâm thực hiện ca mổ tại tuyến tỉnh để tiết kiệm chi phí và gia đình không phải vất vả thêm. Nhưng thực tế lại làm tôi sợ hãi.
>> 'Đừng lấy lương tháng đánh giá lương tâm bác sĩ vì họ cũng cần tiền để sống'
Tôi theo sát quá trình các bác sĩ tại bệnh viện kiểm tra khám bệnh và xét nghiệm trường hợp của mình không sót một bước nào. Cách các bác sĩ vừa nói chuyện cười đùa, vừa kiểm tra vị trí khối u. Cách họ nhanh chóng chọc kim sinh thiết để làm xét nghiệm nhanh đến nỗi tôi không chắc họ có chọc đúng vị trí khối u không. Điều này cơ bản tôi có thể phân biệt được vì cả quá trình khám bệnh đã có ba lần lấy sinh thiết, nếu lấy đúng vị trí khối u sẽ cảm thấy rất đau. Tôi nghĩ "chắc tay nghề họ không quá giỏi".
Tức nước vỡ bờ. Tôi sẽ kể cho bạn nghe lượt khám cuối cùng trong hàng loạt xét nghiệm tại bệnh viện, điều làm tôi nhanh chóng quyết định sẽ không quay lại bệnh viện này thêm một lần nào nữa. Tại phòng siêu âm, tôi được xếp lịch khám với một bác sĩ nữ. Tôi thấy thoải mái, vì dù đã qua tuổi trưởng thành nhưng tôi vẫn chưa lập gia đình, nhân tiện nếu bạn chưa biết thì tôi mang giới tính nữ.
Cuối giờ làm, cô bác sĩ khá uể oải. Tôi thông cảm, người ta cũng là người, bận cả ngày rồi cũng không thể luôn tỏ ra phấn chấn được. Tôi tỏ vẻ niềm nở và thân thiện, mong muốn xua đi chút mệt mỏi và kích thích sự tỉnh táo của vị bác sĩ với ca bệnh của mình. Nhưng tôi đã nhầm. Vị bác sĩ lạnh nhạt bảo tôi nằm xuống giường, kéo áo lên và bắt đầu siêu âm. Cô bỗng trở nên hoạt bát, hồ hởi khi một bác sĩ nam kéo rèm chắn đi vào khu vực siêu âm của tôi và oang oang hỏi chuyện bất chấp một bệnh nhân nữ không thuộc phận sự của anh ta đang nằm trên giường bệnh và được "siêu âm ngực". Họ nói chuyện tự nhiên và vui vẻ về việc tụ tập ăn nhậu của các bác sĩ ngày hôm trước, về việc anh chàng sẽ lái xe đến sân bóng đá hay golf gì đó sau giờ làm, về chiếc xe hơi mà họ sở hữu.... Tôi nằm đó và bật cười vì trong đầu chỉ hiện lên hai chữ "lương y".
Nhận lấy tờ giấy kết quả siêu âm, tôi lạnh lùng quay đi, cố tình không nói một tiếng cảm ơn và ném lại cho cô bác sĩ một cái nhìn thất vọng. Không quay lại phòng khám chính để kết luận bệnh án, tôi đi thẳng ra nhà xe bệnh viện và suốt từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, miệng tôi chỉ lẩm nhẩm "làm gì cũng được nhưng nhất định phải làm người".
Không khác với những gì tôi dự đoán mọi người trong nhà đều tức giận và thất vọng với những gì xảy ra ở bệnh viện. Chúng tôi quyết định lên bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến trung ương vì được biết có một ca mổ bệnh tương tự của người quen an toàn và thuận lợi. Con người ta vất vả tìm kiếm rất nhiều nhưng chốt lại chỉ là chút "niềm tin", chút " bằng chứng sống".
>> Có cần phòng dịch vụ giá khách sạn khi bệnh nhân nghèo phải nằm hành lang?
Mẹ con tôi đón chuyến xe sớm lên Hà Nội vào một ngày tiết trời mùa thu dịu dàng. Gặp một bác xe ôm già ở tỉnh kế bên thân thiện và nhiệt tình. Tôi đã từng học đại học ở Hà Nội 4 năm nhưng khác với nhiều người, với tôi đó là một thành phố đông đúc, ồn ào và bụi bặm. Nhưng lần này tôi thấy nó rất khác, thấy "thú vị". Chút trong trẻo của sớm mùa thu, tiếng loa phát thanh ở ngã tư Giải Phóng vang lên bài hát mà tôi không biết tên nhưng vẫn thấy thật xúc động, rồi tới giọng khàn khàn của bác xe ôm già kể chuyện gia đình, chuyện mưu sinh... Hà Nội mang thật nhiều dáng vẻ. Trong nó là sự xa hoa của người giàu, cảnh mưu sinh của người nghèo, trong nó ôm ấp đầy những giấc mơ, khát vọng nhưng cũng có cả sự an nhiên, tự tại rất riêng.
Tôi cũng ôm ấp một niềm tin khi đứng trước cổng bệnh viện tuyến trung ương. Quả là mở mang tầm mắt, cách lấy số khám bệnh, xếp phòng khám, hướng dẫn bệnh nhân, các bộ phận siêu âm, xét nghiệm làm việc rất chuyên nghiệp, quy củ, tốc độ. Tôi trầm trồ thán phục, tuyến trung ương thì phải thế chứ. Tôi quyết định mình sẽ mổ ở bệnh viện này. Cuối cùng, vấn đề chỉ có một, bác sĩ khám chính của tôi chẳng làm tôi an tâm chút nào. Tôi xếp sổ khám từ đầu ngày nhưng tinh thần của vị bác sĩ không tốt. Tôi nhìn thẻ chức danh của vị này - thạc sĩ - có trình độ. Vị bác sĩ đã làm tròn chức trách khi hỏi tôi thông tin bệnh lý, thăm khám, chỉ định xét nghiệm. Cô trợ tá lớn tuổi ngồi ở bàn làm việc kế bên in chứng từ và hướng dẫn tôi đi nộp tiền, đến các phòng khám theo thứ tự với sự nhiệt tình làm tôi an tâm. Tới cuối ngày, khi hoàn tất các yêu cầu kiểm tra cần thiết, tôi quay lại phòng khám chính để bác sĩ kết luận.
Nghiền ngẫm các tờ kết quả xét nghiệm khi ngồi chờ khám ở các phòng, tôi cũng đã mường tượng được kết quả cuối cùng, có lẽ tôi chỉ bị một khối u lành, không quá lớn so với các bệnh nhân thường gặp, có thể mổ cắt chắc không vấn đề gì. Nhưng xưa nay đều vậy, sự suy luận của bản thân người bệnh vẫn thuộc về khía cạnh chủ quan, họ vẫn cần sự đánh giá và xác nhận từ những người có chuyên môn để có thể thực sự yên tâm về bệnh tình của mình.
Bác sĩ của tôi đã làm điều đó. Cô ấy cầm tập giấy khám trong tay xem nhanh một lượt, mở sổ khám bệnh và bắt đầu viết kết luận bệnh. Tôi ngập ngừng gượng hỏi "em bị u lành phải không bác sĩ, có thể mổ phải không ạ....?". Tôi không nhớ gì về việc bác sĩ trả lời câu hỏi của tôi cho đến khi cô ấy viết xong bệnh án. Nhân tiện bên cạnh cô chiếc ipad vẫn đang mở một chương trình ca nhạc giải trí mà tôi đoán chừng được phát trên youtube.
Cô thạc sĩ kiệm lời của tôi cuối cùng cũng đã nói, cô bảo tôi u lành và hỏi tôi khi nào thì mổ, mổ dịch vụ hay mổ bảo hiểm. Thế đấy, thái độ vẫn khá lãnh đạm. Lúc này thì tôi đã hiểu chuyện hơn, tôi hỏi về thủ tục hai loại, chi phí, thời hạn những kết quả xét nghiệm có hiệu lực rồi cười cười mà trả lời bác sĩ là em sẽ suy nghĩ và đăng ký mổ sau.
>> Tôi phải trả 100 nghìn cho chuyến xe taxi giá 20 nghìn đồng
Tôi ra về, an tâm về tình hình sức khoẻ, nhưng mắc cười thắc mắc rằng sao chị bác sĩ không chúc mừng, động viên tôi được một câu xã giao kiểu như: "Em yên tâm nhé, tình trạng của em không có gì nghiêm trọng, khi nào thì em sẵn sàng mổ ..." hay đại loại như thế. Rồi tôi quay sang cười mình - một kẻ tham lam. Người ta làm hết chức trách khám bệnh rồi lại bắt người ta phải vui vẻ, động viên người bệnh, người ta có phải là thánh đâu...
Tôi về nghỉ ngơi một tuần rồi lên viện đăng ký mổ. Thôi thì phó mặc cho ông trời, vào tay bác sĩ nào thì vào. Tuyến trung ương rồi, tệ nhất chắc cũng không tệ lắm. Trước khi đi, mẹ đã cẩn thận làm cơm thắp hương cầu khấn tổ tiên linh thiêng phù hộ độ trì cho con cháu đi gặp người tốt, mọi điều thuận lợi hanh thông. Rồi tôi đã gặp được người tốt, rất tốt. Tới bệnh viện vào cuối buổi chiều vì nghĩ chỉ định làm thủ tục nộp tiền và đăng ký lịch mổ, tôi không ngờ rằng 30 phút sau tôi đã nằm trên bàn mổ. Chắc rồi, bệnh tình của tôi không cấp bách, mà vì tôi gặp được một bác sĩ làm tôi tin tưởng chỉ sau 5 phút thăm khám và nói chuyện.
Tôi luôn tin người tốt rất nhiều. Nhưng sau cả một hành trình như trên, gặp được một "vị bác sĩ chân chính" thực đúng nghĩa là "hạnh phúc bất ngờ". Nói chuyện thân thiện với bệnh nhân lúc mới thăm khám, động viên bệnh tình, chia sẻ thông tin về quá trình thực hiện tiểu phẫu, hỏi ý kiến bệnh nhân về lựa chọn điều trị. Tất cả đều với thái độ hoà nhã, tinh thần tích cực. Khi người thân chờ ở cửa phòng mổ, bác sĩ cũng không quên hỏi thăm gia đình, nói chuyện vui để mọi người bớt căng thẳng. Trong phòng "mổ sống" (mổ mà chỉ gây tê chứ không gây mê), bác sĩ hỏi han, nói chuyện vui nhẹ nhàng đến độ tôi còn tưởng mình đang chém gió với bạn bè mà quên mất là mình đang bị mổ (sau đó tôi hiểu ra đó được gọi là liệu pháp tâm lý phòng mổ).
>> Mở 'phòng dịch vụ giá cao', bệnh nhân nghèo thiệt thòi trăm đường
Kết thúc ca phẫu thuật thuận lợi, bác sĩ không quên dặn dò cách chăm sóc vết mổ, uống thuốc theo đơn và thăm khám lại. Nằm lại trong phòng chờ ít phút theo chỉ định, tôi vẫn nghe rõ tiếng bác sĩ thông báo tình hình ca mổ với người nhà tôi phía ngoài sảnh và nói chuyện vui với mấy bạn bác sĩ thực tập ngồi gần đó. Tôi nhắm mắt lại, cảm thấy trên môi nở một nụ cười mãn nguyện tự lúc nào.
Thì ra cuộc đời là vậy, có rất nhiều các cung bậc "con người". Sau mỗi cuộc hành trình nhỏ của riêng mình, tôi nhận ra tôi không có quyền oán trách ai cả, tôi cũng không ước ao rằng ai cũng được như vị bác sĩ chân chính kia, sống có tài, có đức lại có tâm. Tôi chỉ biết rằng bản thân mình thật may mắn vì đang sống khoẻ mạnh, có thể quan sát và chấp nhận thế giới này như nó vốn và nhắc nhở bản thân luôn phải học cách sống nhân văn trọn vẹn một cuộc đời.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.