Vào bệnh viện, tôi chẳng sợ tiêm, chỉ sợ một chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, đó là nhà vệ sinh. Hơn một tuần chăm mẹ ốm nằm tại Khoa Nội tiết – Thần Kinh của một bệnh viện lớn, tôi bị ám ảnh và rất sợ đi vệ sinh. Tôi luôn cố "nhịn", thậm chí hạn chế ăn, uống, bởi mỗi lần vào WC là mùi hôi thối ấy xộc thẳng lên mũi khiến tôi choáng váng, tưởng chừng ngất xỉu.
Dãy nhà có 10 phòng bệnh, cả bệnh nhân và người nhà, cả nam và nữ phải sử dụng chung một phòng vệ sinh ở cuối hành lang. Phòng vệ sinh được ngăn làm ba buồng, hai buồng cho nữ và một buồng dành cho nam. Tuy nhiên, do quá tải và luôn trong tình trạng phải chờ đợi, đặc biệt là các giờ cao điểm, nên bất cứ nam hay nữ hễ thấy buồng nào trống là bước vào. Thực tế, ai cũng muốn "giải quyết" nhanh chóng để "thoát ra". Sàn nhà vệ sinh cũng luôn trong tình trạng ướt nhẹp, các thùng rác có lúc đầy giấy vệ sinh, tràn cả ra ngoài, rơi vãi ra ngoài, rất mất vệ sinh.
Mấy năm gần đây, bệnh viện đã có những thay đổi lớn trong việc cải tạo cảnh quan, trồng nhiều cây xanh và khâu vệ sinh cũng được cải thiện. Tuy nhiên, một vấn đề tế nhị ít ai muốn đề cập nhưng lại có nhu cầu rất khẩn thiết, đó là nhà vệ sinh bệnh viện lại chưa được quan tâm.
Để khỏi phải "nhịn" và nhìn nhận một cách khách quan hơn, tôi đành đi sang dãy nhà khác cùng nằm tầng ba. Ở đây có nhà vệ sinh riêng dành cho nam và nữ, phía trước cửa có treo bảng "kiểm tra định kỳ". Tuy nhiên, tình trạng hôi, bẩn, bốc mùi... cũng chẳng khác gì ở dãy kia.
Vẫn biết rằng nhà vệ sinh bẩn là do số lượng bệnh nhân quá đông gây quá tải, một phần do ý thức của bệnh nhân và người nhà rất kém. Mặc dù có bảng hướng dẫn nhưng nhiều người vẫn không thực hiện đúng quy định, như không xả nước, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi... Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu các nhà vệ sinh bệnh viện luôn đảm bảo sạch sẽ, thì người bệnh cũng sẽ tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng.
>> Bệnh nhân phải đặt cọc 220.000 đồng mới được đi vệ sinh ở bệnh viện
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, dĩ nhiên không thể so sánh nhà vệ sinh công cộng ở nước ta so với nước khác, như Singapore hay Nhật Bản, bởi nó quá khập khiễng. Ở họ, luôn có người lau dọn thường xuyên và rất chuyên nghiệp, thậm chí có nơi còn bố trí người ngồi túc trực ngay trước cửa nhà vệ sinh, hễ có ai bước ra là họ vào lau chùi... Như vậy thử hỏi sao mà nhà vệ sinh của họ không sạch, thơm tho cho được?
Nhiều đêm nằm trong phòng bệnh, tôi lại nghĩ miên man rằng: nực cười là nơi chăm sóc bệnh lại không được chú trọng đến cái nhà vệ sinh, dẫn đến quá bẩn. Mà bẩn thì người ta lại "nhịn", và "nhịn" lại sinh ra bệnh. Nên chăng, các bệnh viện có thể thu thêm phí vệ sinh của mỗi bệnh nhân để bổ sung nguồn kinh phí thuê nhân viên vệ sinh. Nếu cứ mỗi giờ đồng hồ lại có người vào thu gom rác, lau chùi, sử dụng các nước tẩy, hóa chất khử mùi, kháng khuẩn nếu thấy bẩn...thì tôi tin nhà vệ sinh sẽ luôn đảm bảo sạch sẽ.
Hơn nữa, mỗi khi nhận bệnh nhân, cán bộ y tế (như điều dưỡng, hộ lý) cũng nên nhắc nhở về nội quy giữ gìn nhà vệ sinh chung và có thể bị phạt tiền nếu vi phạm.
Cách đây gần hai năm, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng "gây bão" với phát biểu: "Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn". Câu nói này được bà nêu tại Hội nghị giảm thời gian chờ khám, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện tổ chức tháng 5/2018, và sau đó được bàn luận rất nhiều.
Theo tôi, nhu cầu vệ sinh là thiết yếu, chúng ta không thể quá coi thường nó. Chẳng cần làm gì to tát.
Nhà vệ sinh bệnh viện sạch, chắc chắn hành lang bệnh viện cũng sạch, phòng bệnh cũng phải sạch. Nói chung, nhà vệ sinh chính là trung tâm của chất lượng bệnh viện.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.