Sở Giáo dục Hà Nội vừa có đề xuất phương án tiếp tục giữ ổn định việc tuyển sinh lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trong năm học 2024-2025. Trước đó, việc tuyển sinh này từng bị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc tạm dừng do trái với Luật Giáo dục 2019. Theo đó, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT, không có trường THCS trong trường chuyên. Đại diện lãnh đạo Sở cho hay việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao ở trường Amsterdam được thực hiện theo Luật Thủ đô, góp phần tạo nguồn học sinh giỏi cho các trường THPT chuyên.
Đồng tình với quan điểm của Sở Giáo dục Hà Nội, độc giả Sông Đông êm đềm nhận định: "Tôi không có con học trường chuyên, cũng không có ý định cho con thi THPT chuyên. Nhưng tôi hoàn toàn nhất trí việc hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM được ưu tiên mở một trường chuyên cho các học sinh cấp hai. Những cháu thật sự xuất sắc thì phải được tạo cơ hội học tập trong những môi trường tốt nhất, phù hợp nhất để phát huy tối đa phẩm chất trí tuệ của mình.
Nhiều người nghĩ rằng phải bỏ ưu đãi cho những trường chuyên kiểu này, để dành lực hỗ trợ các trường khó khăn hơn thì mới gọi là công bằng. Nhưng tôi cho rằng suy nghĩ đó thực chất là cào bằng. Công bằng là người giỏi hơn, thông minh hơn phải được ưu tiên, hỗ trợ tốt nhất để phát triển tối đa chứ không phải bắt họ phải chờ đợi những người kém hơn.
Cơ hội để ưu tiên cần được chia đều cho tất cả học sinh. Ai cố gắng hơn, xuất sắc hơn sẽ đạt được phần thưởng. Cũng như cuộc thi chạy vậy, tất cả vận động viên về đích đều được hoan nghênh chào đón, nhưng chỉ những người về đầu mới nhận được huy chương.
>> Ngăn thi học sinh giỏi môn chuyên - công bằng hay cào bằng?
Có người lại lấy lý do 'học sinh trường chuyên 80% đi du học rồi ở lại trời Tây chứ không chịu về nước, là sự lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước'. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chuyện du học xong ở lại hay về nước, không quyết định một người nào đó đóng góp cho nước nhà hay không?
Nhìn sang Trung Quốc, giai đoạn trước, khi trong nước còn khó khăn, họ vẫn khuyến khích và hỗ trợ sinh viên đi du học và ở lại làm việc ở nước ngoài. Khi thành danh và trong nước đủ điều kiện, người ta lại kêu gọi nhân tài quay về giúp phát triển đất nước và đạt được nhiều thành công như bây giờ. Đó mới là tầm nhìn dài hạn.
Quan điểm của tôi là du học xong không nhất thiết phải về nước, ở đâu cũng vẫn có thể đóng góp được cho quê hương. Hãy nhìn bao nhiêu nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng thế giới, khi thành danh rồi, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn đều quay về đóng góp cho quê hương mà đâu cần phải về nước làm việc. Chứ học xong cứ đòi hỏi phải về nước mà không gặp được môi trường đúng sở trường, phát huy được hết thế mạnh của bản thân, thì cũng chẳng đóng góp được gì.
Thế nên, dù không ủng hộ việc mở đại trà trường chuyên, nhưng tôi nghĩ Hà Nội và TP HCM nên cho phép mở ít nhất một vài trường chuyên cấp hai thực sự chất lượng. Đây sẽ là môi trường lý tưởng dành cho các học sinh thực sự xuất sắc, có điều kiện phát triển tối đa. Thực tế, ngày nay có rất nhiều gia đình có điều kiện, họ định hướng cho con đi du học theo diện học bổng, nên ngay từ lớp 1 họ đã đầu tư, rèn luyện cho con rất nhiều. Sẽ rất lãng phí nếu không có trường chuyên cấp hai để định hướng và tạo tiền đề cho những em này tiến xa hơn trong tương lai, trở thành nhân tài của đất nước".
Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất mô hình giáo dục theo Luật, độc giả Tranngocoanhk phân tích: "Theo tôi, nên dừng mô hình đào tạo hệ THCS trình độ cao vì quy định của Bộ thì phải thống nhất, nếu không các địa phương cứ khó khăn lại xin cơ chế đặc thù, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và việc thực thi các quy định của pháp luật.
Nói như một số phụ huynh con học tiểu học không được nghỉ hè, không có thời gian vui chơi mà chỉ 'cày' học thêm, lò luyện thi... đã là trái với quan điểm giáo dục của chương trình phổ thông mới. Có lẽ đây là lý do chính đáng nhất để bỏ chuyên ở cấp từ THCS trở xuống. Các em phải được vui chơi, phát triển các kỹ năng mà không phải vất vả học ngày học đêm. Chính vì mong muốn của cha mẹ đã tước đoạt quyền được nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển tự nhiên của trẻ.
Cuối cùng là sự công bằng trong giáo dục. Không nên dành quá nhiều nguồn lực cho một nhóm nhỏ học sinh được xem là giỏi vượt trội, trong khi các em học sinh bình thường khác đang khó khăn. Điều đó sẽ tạo sao sự mất cân bằng trong xã hội".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.