Khó dẹp nạn karaoke ồn ào trước 22h tại tư gia hay khu vực công cộng là một thực tế đã tồn tại suốt nhiều năm qua ở nước ta. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể làm gì được. Cá nhân tôi vẫn tin chúng ta phải có một giải pháp hữu hiệu nào đó để ít nhất là hạn chế tình trạng này chứ không phải cứ thả nổi cho vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày một nghiêm trọng.
Thực tế, trong cuộc sống thường nhật, có rất nhiều tiếng ồn có thể vượt ngưỡng dB theo quy định: từ tiếng trẻ con khóc, tiếng người cãi vã nhau, tiếng động cơ xe cộ, tiếng loa truyền thanh, tiếng gõ búa, tiếng đục đẽo sửa chữa nhà... Nhưng những tiếng động này có một điểm chung là lúc to, lúc nhỏ, đa phần chỉ thoáng qua chốc lát, tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, chứ không dai dẳng kéo dài như tiếng hát karaoke.
Làm một phép so sánh như vậy để thấy tiếng karaoke hoàn toàn khác các loại âm thanh khác trong xã hội. Nó gây hại nhiều hơn có lợi: người dân xung quanh khu vực tổ chức hát karaoke bị ảnh hưởng với tiếng ồn liên tục nhiều giờ; âm thanh vượt ngưỡng hết cỡ (vì không ai hát karaoke mà mở nhỏ cả); người hát thi nhau gào thét; có người hát dở, lạc giọng, sai nhịp gây chối tai; nguy hại đến tâm thần của con người.
>> 'Bảo bối' xử phạt karaoke tra tấn
Chưa kể, nhiều người không có nhu cầu cũng buộc phải nghe, giống như đang bị tra tấn; ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, dưỡng bệnh của mọi người, nhất là người lớn tuổi và trẻ nhỏ... và còn nhiều hệ lụy tiêu cực khác trong xã hội có thể phát sinh do vấn nạn karaoke tra tấn trong khu dân cư gây ra.
Thế nên, tình trạng này cần phải được quản lý thật chặt bằng những chế tài, quy định rõ ràng, nghiêm khắc. Liên hệ với những vấn đề khác cũng không kém phần khó giải quyết vừa qua trong xã hội như cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hay gần nhất là quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông... tôi tin xử lý nạn karaoke tại gia là hoàn toàn có thể làm được. Thực tế đã chứng minh, khi toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng, mọi thứ đều có thể chuyển biến tích cực.
Hiện nay, trong trường hợp chưa thể cấm tuyệt đối hoạt động hát karaoke trong khu dân cư (vì nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân) thì cơ quan chức năng có thể quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đảm bảo trật tự như: điều kiện phòng ốc, cường độ âm thanh, thời gian kéo dài liên tục... để chuyện hát karaoke không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Tóm lại, nếu không cấm thì phải quản lý được chứ không phải cứ thả nổi và mặc cho người dân tự chịu khổ khi hàng xóm hát karaoke tra tấn ngày qua ngày.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.