Sau mỗi cơn sốt đất, chúng ta dường như chỉ tập trung nói về những hệ lụy, nhưng nếu nhìn theo một khía cạnh khác, chắc chắn vẫn có những điều tích cực. Theo tôi, "sốt đất" có hai loại: Loại sốt đất trong thời gian cực ngắn - từ vài ngày đến vài tuần - chắc chắn mang tới rất nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư (thường được gọi là "sốt đất ảo"). Người dân địa phương cũng không được hưởng lợi quá nhiều từ loại hình này. Bởi bao nhiêu tiền bạc đã chảy hết vào túi các nhóm "đạo diễn" chiêu trò nâng giá đất. Loại này đã từng xảy ra ở Bình Ba, Vũng Tàu năm 2020 hay vụ sốt ảo quanh khu vực sân bay Técníc (huyện Hớn Quản, Bình Phước).
Loại sốt đất thứ hai, có quãng thời gian tính bằng năm. Việc giá đất liên tục tăng, nhưng bền vững, không quá đột biến. Loại này vẫn có những hệ lụy nhất định, nhưng không phải là không mang lại những tín hiệu tích cực. Thành phố Bảo Lộc và vùng lân cận của tỉnh Lâm Đồng, trong ba, bốn năm trở lại đây, sốt đất diễn ra dồn dập. Đi đâu người ta cũng chỉ nói về chuyện giá đất. Rồi người ta đưa ra hàng loạt thông tin cảnh báo, nêu lên hàng loạt hệ lụy: từ phá nát vùng quy hoạch trà, cà phê, đến giảm sút năng lực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự...
Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng ta hãy nói đến những điều tích cực. Bảo Lộc và vùng ven, xưa nay chỉ là một vùng đơn thuần sản xuất nông nghiệp. Trà, cà phê, sầu riêng và đâu đó là bơ, măng cụt. Nhà nào nhiều đất thì đủ ăn, dư được chút. Nhà ít đất, con đông thì xác định lấy công làm lời. Mỗi tấn cà phê làm cả năm được hơn 30 triệu đồng. Đủ sống là may, nói gì đến giàu có.
Rồi cơn sốt đất ập đến. 500 m2 rẫy, trước đây mỗi năm tạo ra giá trị thặng dư cao nhất 20 triệu đồng, nhưng nay có thể bán cho các nhà đầu tư ngoại tỉnh với giá gấp 30 lần lợi tức mang lại. Nghĩa là chỉ bán một miếng chút xíu đó, bạn đã "ứng trước" 30 năm tiền thu được từ nó. Và, từ số vốn đó, bạn hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác để tiếp tục sinh ra lợi nhuận tốt hơn.
>> Đua nhau làm giàu ăn xổi từ đất
Chúng ta không cần phải quá lo lắng rằng, mai mốt hết tiền bán đất, những người bán đất hôm nay sẽ "ăn bám xã hội" hoặc phá rừng để tìm đất canh tác. Thời điểm bây giờ, so với chục năm trước đã rất khác nhau. Những người chủ miếng đất giờ đây cũng chỉ độ tuổi U40, về mặt bằng chung, họ có kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin cao hơn so với thế hệ cũ. Như vậy, khả năng xoay sở để đầu tư, mưu sinh hoàn toàn trong tầm tay. Huống hồ, nhiều người chỉ bán một phần đất nhỏ của mình để đầu tư lĩnh vực khác.
Gần đây, tôi hay về Bảo Lộc, thủ phủ của cơn sốt đất vài năm qua. So với 5 năm trước, đời sống ở đây thay đổi rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có xe hơi riêng. Đường đi, vỉa hè, quán xá... ken đặc các loại xe hơi mới cáu. Đó là kết quả của cơn sốt đất. Và tôi chợt nghĩ, khi người dân thoải mái chi tiêu, mua sắm, cụ thể là số lượng xe hơi tăng lên chóng mặt, nghĩa là nguồn thu ngân sách của địa phương sẽ tăng theo.
Và, địa phương sẽ có thể mở rộng hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, làm thêm đường xá, cầu cống để đáp ứng được nhu cầu di chuyển bằng xe hơi của người dân. Và khi bộ mặt đô thị, hệ thống giao thông đồng bộ cũng là động lực thúc đẩy giá đất tiệm cận với những con số mà nhiều người cho rằng "ảo".
Tôi cho rằng, đây có thể coi là một mặt tích cực, dễ nhận thấy nhất. Rất nhiều thành phố của chúng ta gắn liền với văn minh xe máy. Và bao nhiêu năm nay, chúng ta vẫn cứ tranh luận nên làm gì để cấm xe máy? Việc người dân Bảo Lộc "vô tình" trở nên giàu có, rất có thể sẽ khiến chúng ta có một đô thị nho nhỏ, với hệ tầng giao thông phát triển hơn rất nhiều so với trước đó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.