Một số ca sĩ, diễn viên hiện nay đổ bộ vào thị trường bất động sản với tư cách chủ doanh nghiệp địa ốc phủ sóng mảng phân phối (môi giới bán hàng) hoặc phát triển dự án nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp với sản phẩm đa dạng, quỹ đất lớn. Giới nghệ sĩ thường tận dụng hình ảnh, thương hiệu, sức ảnh hưởng của bản thân để tiếp thị, đầu tư bất động sản, dẫn dắt và tạo xu hướng cho thị trường.
Cá nhân tôi thấy rất buồn khi nghe những thông tin thế này. Tất nhiên, xét về một khía cạnh nào đó, việc nhiều người nổi tiếng đua kinh doanh bất động sản cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này, góp phần làm sôi động thị trường nhà đất trong nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó là rất nhiều hệ lụy khó lường.
Có người nói việc đổ xô đi buôn đất là tạo động lực của phát triển cho nền kinh tế? Tôi không đồng tình với quan điểm này. Càng nhiều người đi buôn đất, làm "cò đất", cũng đồng nghĩa với việc càng ít người lo lao động sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội. Thêm nữa, giá đất cũng sẽ ngày một bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, vô tình khiến những người lao động thu nhập thấp, những cặp vợ chồng trẻ không thể mua được nhà để an cư lạc nghiệp.
>> 'Ngăn đầu cơ đất không chỉ bằng thuế'
Đất lên giá, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng không thể mua đất để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất, khiến nhiều người thất nghiệp hơn, kinh tế của đất nước đi xuống... Cuối cùng hệ lụy của việc buôn đất tràn lan chính là làm cho người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng bần cùng.
Hệ lụy của "sốt đất", có thể thấy rất rõ. Khi người người, nhà nhà buôn đất, sẽ thật kinh khủng cho nền kinh tế của đất nước, tạo ra vấn đề nguy hiểm về công việc, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, tác động rất xấu đến tương lai của thế hệ trẻ. Vì thế, tôi mong rằng, nhà nước sớm có các chính sách mạnh mẽ để kìm hãm vấn nạn sốt đất. Phải đánh thuế thật cao đối với đất đầu cơ, đặc biệt là các bất động sản thứ hai trở lên.
Suốt năm tháng nay, bất động sản tiếp đà tăng giá dồn dập dù thanh khoản yếu dần, nguồn cung dự án vẫn hạn chế do vướng mắc pháp lý kéo dài, sốt đất xảy ra từ nông thôn, duyên hải đến tây nguyên. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia quan ngại thị trường phát triển lệch, kém bền vững. Nguồn cung ít, pháp lý đình trệ, giá nhà đất vượt thu nhập của người dân... đang làm méo mó thị trường địa ốc.
Bên cạnh đó, tình trạng tất cả các thành phần của nền kinh tế đang dồn tiền vào việc gom đất, giữ đất để chờ tăng giá chứ không sản xuất, kinh doanh, không tạo ra giá trị thặng dư nào. Công nghệ gom đất chờ tăng giá càng bùng nổ theo các đợt sốt đất, càng làm thui chột sự cạnh tranh, sáng tạo và linh hoạt của nền kinh tế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.