Đối với một thành phố thì ngoài tòa thị chính (ủy ban) thì chợ, nhà ga và bưu điện sẽ là những công trình gây ấn tượng với người dân lẫn du khách, nếu kiến trúc ấn tượng và được nhiều người lui tới.
Nhân dịp TP HCM sắp cải tạo chợ Bến Thành, tôi nhớ lại trong hơn chục năm sinh sống và làm việc ở đây, mỗi ngày chạy qua khu vực này nhưng chưa một lần vào chợ. Nhiều người cũng bảo rằng rất hiếm ghé chợ Bến Thành mua đồ vì đây là nơi dành cho khách du lịch nước ngoài.
>> 'Không phương án đường sắt cao tốc nào phù hợp với Việt Nam hiện tại'
Bưu điện thành phố nằm liền kề đường sách Nguyễn Văn Bình, nhìn qua Nhà thờ Đức Bà. Ít ai biết mốc 0km của thành phố được tính tại đây, hàng ngày cũng có nhiều bạn trẻ, khách du lịch đến chụp ảnh.
Ủy ban thành phố thì đối diện với đường Nguyễn Huệ, nhìn ra sông Sài Gòn, buổi tối nhìn rất đẹp.
Duy chỉ có nhà ga xe lửa Sài Gòn hiện tại khiến tôi khá lấn cấn. Nhớ lúc mới lên Sài Gòn, tôi tìm đường đến nhà ga để lên tàu, hỏi đường thì được bảo: "Ga Hòa Hưng chứ ga Sài Gòn đâu?".
Tôi thắc mắc mãi, rõ ràng là tên ga Sài Gòn mà sao lại là ga Hòa Hưng? Sau này có dịp nghiên cứu, tôi mới biết ga Sài Gòn hiện giờ là ga Hòa Hưng, còn lúc xưa ga chính của thành phố nằm ở khu vực gần chợ Bến Thành ngày nay, chứng tích còn lưu dấu là Tòa nhà trụ sở Hỏa xa nằm trên đường Hàm Nghi.
Đường sắt bao năm qua lạc hậu nên dường như nhà ga cũng ít được người quan tâm, để ý. Về lượng hành khách, đường sắt cũng không cạnh tranh được với hàng không.
>> 'Phát triển giao thông không thể dựa vào một đường sắt cao tốc'
Trong khi chúng ta đang xây sân bay Long Thành để dời sân bay về đó, thì tại sao không mạnh dạn dời ga Sài Gòn ra ngoại ô, như ở Bình Triệu chẳng hạn?
Vì sao tôi đề xuất như vậy? Một phần vì sự bất tiện. Hiện tại ga Sài Gòn nằm ở quận 3. Tuyến đường sắt dài hơn 14 km qua các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và giao cắt hàng chục điểm với đường bộ.
Ở các nước, nhà ga chính thành phố nằm ở trung tâm vì ngoài ý nghĩa biểu tượng, nó còn thuận tiện vì kết nối các tuyến đường sắt khác tỏa đi bốn hướng. Lấy ví dụ trước đây ga Sài Gòn nằm gần chợ Bến Thành vì ngoài tuyến Bắc - Nam, có còn kết nối tuyến Sài Gòn- Mỹ Tho. Nay tuyến Sài Gòn- Mỹ Tho này đã biến mất.
Thêm vào đó, mỗi lần tàu qua, người dân phải dừng lại hơn chục phút để chờ. Có lần tôi đi trên đường Trần Văn Đang, chờ hơn 10 phút thì bất ngờ, chỉ có một đầu tàu chạy ngang mà thôi.
Không gian ga Sài Gòn hiện tại cũng chật chội. Vì thế tôi nghĩ nếu di dời ga Sài Gòn ra ngoại ô, vừa thuận tiện, vừa có dịp thiết kế lại nhà ga cho đàng hoàng hơn.
Vĩnh Bình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.