Lính Mỹ hiện diện ở Đài Loan được coi là một "bí mật mở" mà Washington và Bắc Kinh ngầm thừa nhận trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, Mỹ gần đây tăng cường hỗ trợ về huấn luyện, khí tài cho Đài Loan, một phần trong "chiến lược con nhím" mà nhiều đời tổng thống Mỹ đã thực hiện để tăng khả năng tự vệ cho hòn đảo.
Mỹ khởi động chiến lược này từ cuối nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush, với mục tiêu âm thầm củng cố năng lực phòng thủ trên hòn đảo, sẵn sàng đối phó với kịch bản Trung Quốc đại lục tấn công đổ bộ, tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Trên giấy tờ, những quân nhân Mỹ cuối cùng đã rời Đài Loan vào năm 1979, khi Washington chấp nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Mỹ từ đó thường xuyên phê duyệt bán khí tài cho hòn đảo, nhưng tránh trang bị những vũ khí hiện đại nhất để không chọc giận Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ bắt đầu thay đổi chiến lược dưới thời tổng thống Donald Trump, sau những động thái vận động chính sách quyết liệt của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Robert O'Brien, người kế nhiệm Bolton, tiếp tục ủng hộ hướng đi này. Chiến lược được tiếp nối dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Chính quyền Trump còn thuyết phục Đài Loan mua thêm tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển từ Mỹ. Lầu Năm Góc đánh giá vũ khí này sẽ buộc Bắc Kinh thay đổi tính toán chiến lược, giảm khả năng tấn công đổ bộ.
Qua hai đời tổng thống, Lầu Năm Góc tăng quân số hiện diện trên đảo Đài Loan, trong đó có các đơn vị đặc nhiệm. Hoạt động của lính Mỹ trên đảo Đài Loan không còn dừng ở huấn luyện sử dụng khí tài mới, mà được mở rộng sang cố vấn chuẩn bị ứng phó chiến tranh.
Bolton và O'Brien gọi đây là "chiến lược con nhím", biến Đài Loan thành mục tiêu khó bị tấn công bằng một chiến dịch đổ bộ. Bất kỳ lực lượng nào muốn tấn công "con nhím" này sẽ phải hứng chịu đòn đánh từ những chiếc lông sắc nhọn của nó, trong trường hợp này là dàn tên lửa hành trình và các khí tài phòng thủ duyên hải của Đài Loan.
Lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm Mỹ trên đảo Đài Loan đã khảo sát thực địa các bãi biển trong nhiều năm qua, xác định những vị trí đối phương có thể đổ bộ và cần gia cố phòng thủ. Quân nhân Mỹ giúp lực lượng phòng vệ trên hòn đảo phác thảo chiến thuật chống đổ bộ lẫn duy trì kháng cự ngay cả khi quân đội Trung Quốc đại lục đánh chiếm được bờ biển.
"Những hệ thống chiến tranh quy ước khó làm Trung Quốc nản lòng. Nhưng khi áp dụng chiến lược con nhím, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ khó có thể 'nuốt chửng' được Đài Loan bằng vũ lực", Heino Klinck, cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên trách Đông Á, nhận định. "Ngay cả khi để mất bờ biển, phòng vệ Đài Loan sẵn sàng chiến đấu sâu trong nội địa, buộc binh sĩ Trung Quốc phải giành từng tấc đất trên hòn đảo".
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Biden, vấn đề hỗ trợ quân sự cho Đài Loan đang gây nhiều tranh cãi ở quốc hội Mỹ. Sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn công khai xác nhận lính Mỹ được triển khai tới hòn đảo, nhiều nghị sĩ Mỹ lo sợ Washington đang đẩy vấn đề đến ngưỡng khiêu khích nguy hiểm với Bắc Kinh.
Hạ nghị sĩ Elaine Luria, thành viên có lập trường cứng rắn trong đảng Dân chủ, cho rằng triển khai quân nhân Mỹ ở Đài Loan sẽ khiến căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Trong kịch bản xấu nhất, khoảng 30 lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm Mỹ có thể bị kẹt lại Đài Loan khi quân đội Trung Quốc tiến hành đòn tấn công phủ đầu vào hòn đảo.
"Chúng ta ở quá gần ranh giới. Dù vậy, phía Trung Quốc rõ ràng đang tự mình thách thức giới hạn. Mỹ cần phát đi tín hiệu chúng ta nghiêm túc trong vấn đề Đài Loan, nhưng đồng thời cần làm rõ chúng ta không muốn đối đầu", cố vấn của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey chia sẻ.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ cho rằng Đài Loan chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng để thực thi chiến lược "con nhím". Những đợt áp sát liên tục của máy bay quân sự Trung Quốc thời gian qua đang khiến lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan thường xuyên bị đặt trong tình trạng báo động cao, dẫn đến khí tài nhanh chóng hao mòn và phi công luôn bị căng thẳng, kiệt sức, dễ dẫn đến quyết định sai lầm khi đối đầu.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần. Ngoài các chuyến bay áp sát, quân đội Trung Quốc gần đây còn gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các cuộc diễn tập đổ bộ ở khu vực gần hòn đảo.
Các nghị sĩ như Brad Sherman và Josh Hawley ủng hộ Mỹ củng cố sức mạnh lực lượng phòng thủ Đài Loan. Sherman, thành viên cấp cao đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng nếu Mỹ huấn luyện và trang bị tốt cho Đài Loan sẽ "giúp giảm nguy cơ chiến tranh". Ông đồng thời tự tin rằng Trung Quốc vẫn dè chừng khả năng đáp trả từ Mỹ trong bất cứ tính toán nào với Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đầu tháng 11 đề xuất dự luật chi 3 tỷ USD ngân sách cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan trong ngắn hạn. Ông cho rằng Trung Quốc đang "ngày càng đắc chí" về khả năng tấn công hòn đảo và Mỹ nên giúp Đài Loan chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.
"Nếu chúng ta muốn hòa bình, Đài Loan cần được chuẩn bị cho chiến tranh, đặc biệt bằng cách tăng tốc triển khai năng lực phòng thủ phi đối xứng để đánh bại bất cứ nỗ lực quân sự nào từ Trung Quốc", Hawley lập luận.
Trung Nhân (Theo Foreign Policy)