Dự luật quy định những người xúc phạm quốc ca Trung Quốc sẽ đối mặt án tù tối đa ba năm hoặc phạt tiền lên tới 6.450 USD. Dự luật cũng yêu cầu "toàn bộ cá nhân và tổ chức" nên thể hiện thái độ tôn trọng và trang nghiêm với quốc ca Trung Quốc trong những dịp thích hợp.
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về dự luật dự kiến cũng diễn ra trong hôm nay.

Một phiên họp của Hội đồng Lập pháp Hong Kong hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua.
Những người phản đối cho rằng dự luật là một ví dụ khác về việc Bắc Kinh "xâm phạm" Hong Kong, trong khi những người ủng hộ khẳng định chính quyền thành phố có nghĩa vụ đảm bảo các biểu tượng quốc gia phải được tôn trọng. Hôm 27/5, người Hong Kong đã biểu tình phản đối dự luật bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp khi các nghị sĩ đang thảo luận, dẫn đến đụng độ với cảnh sát. Cảnh sát cho biết hơn 360 người đã bị bắt.
Macau ban hành luật quốc ca vào tháng 1/2019, nhưng Hong Kong bị đình trệ do các cuộc biểu tình năm ngoái. Chính quyền Hong Kong bác bỏ quan điểm cho rằng dự luật sẽ làm mất tự do ngôn luận, nói rằng hành vi phạm tội sẽ chỉ xảy ra nếu ai đó bày tỏ quan điểm của họ bằng cách công khai và cố ý xúc phạm quốc ca.
Căng thẳng tại Hong Kong gia tăng sau khi quốc hội Trung Quốc tuần trước thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong. Luật mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu.
Giới chức nhiều nước, gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada cũng như các nhóm nhân quyền và doanh nghiệp quốc tế bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hong Kong, trong khi Trung Quốc khẳng định luật an ninh Hong Kong giúp duy trì vững chắc nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cùng ổn định lâu dài và thịnh vượng của đặc khu.
Huyền Lê (Theo Reuters)