Hàng nghìn cảnh sát vũ trang Hong Kong hôm qua xuống đường để chặn các cuộc biểu tình được lên kế hoạch nhằm ngăn dự luật truy tố hình sự những người xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Người biểu tình chiếm các con đường ở Mongkok vào ban đêm sau một ngày biểu tình và đụng độ. Cảnh sát cho biết tính đến 21h30, hơn 360 người đã bị bắt vì các hành vi phạm tội bao gồm tụ tập trái phép và sở hữu các đồ vật gây nguy hiểm như bom xăng.
Trước đó một ngày, cảnh sát chống bạo động đã chặn và tìm kiếm chủ yếu những người trẻ tuổi bên ngoài các ga tàu điện ngầm của Hong Kong trong giờ cao điểm buổi sáng.
Các con đường xung quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp bị chặn khi các nghị sĩ tổ chức thảo luận về luật quốc ca. Những người tổ chức biểu tình trên mạng xã hội kêu gọi mọi người tiếp tục di chuyển khắp thành phố.
Cảnh sát cáo buộc những người biểu tình đốt lửa và ném đồ vật vào họ. Theo lực lượng này, họ không có lựa chọn nào khác và cần sử dụng vũ lực tối thiểu, bao gồm bắn đạn hơi cay để ngăn hành vi bất hợp pháp và bạo lực có liên quan. Đám đông người biểu tình vẫn ở lại trên phố, hô: "Hong Kong độc lập, con đường duy nhất".
Cơ quan lập pháp Hong Kong sẽ thảo luận về luật quốc ca vài ngày và dự kiến bỏ phiếu ngày 4/6. Những người phản đối cho rằng luật quốc ca có thể chống lại các nhà hoạt động dân chủ và nhà lập pháp vì phần "có ý định xúc phạm quốc ca", như thay đổi lời bài hát, giai điệu hoặc hát "theo cách bất kính". Người vi phạm có thể bị xử phạt tài chính hoặc bỏ tù lên tới ba năm.
Macau ban hành luật quốc ca vào tháng 1/2019, nhưng Hong Kong bị đình trệ do các cuộc biểu tình năm ngoái. Chính quyền Hong Kong bác bỏ quan điểm cho rằng dự luật sẽ làm mất tự do ngôn luận, nói rằng hành vi phạm tội sẽ chỉ xảy ra nếu ai đó bày tỏ quan điểm của họ bằng cách công khai và cố ý xúc phạm quốc ca.
Biểu tình phản đối dự luật quốc ca diễn ra vài ngày sau khi hàng nghìn người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất. Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua dự luật vào hôm nay, sau đó chuyển cho Ủy ban Thường vụ quốc hội để soạn thảo điều luật chi tiết.
Huyền Lê (Theo Guardian)