Từ lâu, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được thông tin qua báo chí, các phương tiện truyền thông về việc cơ quan chức năng vừa mới bắt một vụ này, vụ kia về hành vi sản xuất kinh doanh buôn bán bột ngọt (mì chính) dởm. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày chính gia đình mình lại là nạn nhân của vấn nạn bột ngọt dởm.
Bình thường gia đình tôi vẫn thường mua bột ngọt để dùng hàng ngày tại các siêu thị, và tin dùng các thương hiệu có uy tín. Thế nhưng, đầu tháng này, do nhà hết bột ngọt, tôi lại bận chưa kịp đi siêu thị để mua, vì thế mẹ tôi đã ra một cửa hàng tạp hóa nhỏ gần nhà để mua tạm một gói loại 400 gram. Mãi tới khi nấu ăn được hơn một tuần, bố tôi là người đầu tiên phát hiện ra đó đích thị là bột ngọt dởm. Bởi qua mấy lần nấu nướng và nêm bột ngọt vào món ăn, bố đã có sự nghi ngờ do các món đều đã được nêm mắm, muối rất vừa vặn ăn, không nhạt không mặn, vậy mà sau khi nêm bột ngọt vào, món ăn lại trở nên mặn chát.
Bố tôi kể: "Hôm trước, bố đã nếm thử bột ngọt trong cái gói mẹ mua xem nó có vị ngọt lợ như bình thường không, thì mới phát hiện ra nó mặn chát, mặn gần như muối luôn, trong khi vị ngọt chỉ rất ít...". Khi nghe bố tôi nói vậy, cả mẹ tôi và tôi đều cũng nếm thử xem sao thì đúng là nó quá mặn, không giống như các loại bột ngọt thông thường.
Không nghi ngờ gì nữa, tôi dám quả quyết rằng, người sản xuất bột ngọt dởm thiếu lương tâm nào đó đã dùng muối nghiền mịn để chộn lẫn vào một lượng nhỏ bột ngọt, sau đó đóng gói giả danh một thương hiệu bột ngọt nổi tiếng bán ra thị trường, lừa gạt người tiêu dùng để kiếm lợi nhuận cao.
Tôi nghĩ rằng, đã có rất nhiều các gia đình khác, nhất là các gia đình ở nông thôn, miền núi, thường không có thói quen mua hàng tại siêu thị, cửa hàng uy tín, mà luôn mua hàng tại các quầy sạp ở chợ truyền thống, hay cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ... từng mua và ăn phải loại bột ngọt dởm này. Sở dĩ nhiều người dân không phát hiện ra là vì những kẻ sản xuất, kinh doanh buôn bán loại gia vị thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày này, đã rất tinh vi trong việc đóng gói, giả nhãn mác thương hiệu uy tín.
Hơn thế nữa, như chúng ta chẳng mấy ai lại đi bỏ bột ngọt vào miệng để nếm thử, trước khi nêm vào món ăn cả. Bởi ai cũng nghĩ vị đặc trưng của bột ngọt phải ngọt lợ là điều chắc chắn.
>> Nếu không có người tự đi kiểm định kẹo rau củ Kera
Tôi kể câu chuyện bột ngọt dởm cho một chị bạn cùng quê. Chị cho hay, cách đây gần một năm, mẹ chị cũng mua nhầm phải bột ngọt dởm, loại đóng gói không nhãn mác, với giá rẻ ở chợ quê. Bột ngọt cánh nhỏ li ti, dạng bột mịn, khi nếm nó có vị mặn như muối và hơi ngọt như đường. Sau bữa đó, mẹ chị đã không còn các loại bột ngọt không nhãn mác, giá rẻ bán ở chợ nữa, mà chọn mua loại gia vị này ở siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa uy tín. Nói rồi, chị bạn tôi đã "vẽ" kinh nghiệm cho tôi trong việc nhận biết bột ngọt chính hãng thật và dởm. Chị bảo bột ngọt thật thường cánh to, không nát vụn...
Song việc nhận biết qua cách quan sát như vậy tôi thấy không thể đúng hoàn toàn, bởi có một số loại bột ngọt thật cánh cũng đâu có to, mà các cánh nhỏ mịn li ti, nhưng chất lượng khi nêm vào đồ ăn vẫn tăng thêm phần ngon ngọt tuyệt hảo. Cho dù người tiêu dùng có tinh tường thế nào đi chăng nữa, thì với công nghệ làm dởm tinh vi như thời nay, thì chuyện chúng sản xuất bột ngọt hạt to, hạt mịn dởm để lừa người tiêu dùng cũng đâu có khó khăn gì.
Vấn nạn bột ngọt dởm với chất lượng không đảm bảo xuất hiện tràn lan trên thị trường, đúng là nó mang lại nỗi lo lắng thật cho bất cứ ai, bởi đây là một trong các loại gia vị vô cùng thiết yếu trong chế biến món ăn hàng ngày của các hộ gia đình, các hàng quán ở nước ta. Nếu những kẻ sản xuất bột ngọt dởm chỉ trộn nguyên liệu bột ngọt và muối ăn nghiền còn đỡ, bởi dẫu có mặn nhưng sự độc hại còn không có. Nhưng nếu những kẻ bất lương vì đồng tiền kia mà cho các loại hóa chất độc hại lẫn vào bột ngọt, thì sự nguy hại tới sức khỏe con người là cực kỳ khó lường. Nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài, sức khỏe của người dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi.
Để ngăn ngừa vấn nạn sản phẩm bột ngọt dởm trôi nổi tràn lan trên thị trường, lừa gạt và "đầu độc" người tiêu dùng, thiết nghĩ cơ quan chức năng, Chi cục quản lý thị trường tại các địa phương phải liên kết phối hợp chặt chẽ, đồng thời có biện pháp thật mạnh tay trong việc truy lùng và xử lý những trường hợp sản xuất, kinh doanh và buôn bán bột ngọt dởm.
Ngoài ra, để tự bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như các thành viên gia đình mình, người dân không nên mua bột ngọt trôi nổi, nhất là loại không nhãn mác, hoặc đóng gói thủ công bày bán ở ngoài chợ với giá siêu rẻ. Tốt nhất chỉ nên mua loại gia vị này tại siêu thị, cửa hàng có uy tín cho đảm bảo, kể cả giá thành có đắt hơn chút xíu nhưng sẽ yên tâm về chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình.
- Nhiều người thích hàng hiệu nhưng mua hàng nhái
- 'Tôi thích chợ Bến Thành xưa vì không bán hàng fake'
- Lọ thuốc sát trùng Made in Vietnam không có vòi hãm
- Hộp sữa Made in Vietnam thiếu khoen - đẩy khó cho người dùng
- Thất vọng ổ cắm điện 'made in Vietnam' rẻ nhưng không bền
- Hàng Việt 'tiền nào của nấy'