Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng bệnh ho gà có tính gây dịch theo chu kỳ khoảng 3-5 năm. Hiện toàn quốc ghi nhận số ca ho gà rải rác tại 49 tỉnh, thành phố như Nghệ An, TP HCM, Thanh Hóa, Bắc Giang... Trong đó, Hà Nội ghi nhận khoảng 200 ca từ đầu năm đến nay.
Theo bác sĩ Đạo, nhiều người dân chưa hiểu rõ về nguồn lây ho gà và biểu hiện bệnh, từ đó chưa có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Bác sĩ giải đáp 6 câu hỏi dưới đây về đường lây ho gà và vaccine, để tăng hiểu biết về bệnh.
- Hôn môi, hôn má trẻ sơ sinh có lây ho gà?
- Người Việt có thói quen thể hiện tình cảm bằng việc ôm hôn em bé. Tuy nhiên, thói quen này dễ lây truyền các mầm bệnh cho bé do vùng mũi, họng, miệng có hàng tỷ vi khuẩn cư trú. Người đi thăm trẻ hoặc các anh chị em lớn, người lớn trong gia đình có thể mang vi khuẩn ho gà ở vùng mũi, họng và lây cho trẻ qua đường hôn.
Ngoài ra, trẻ có thể lây ho gà khi tiếp xúc với đồ vật nhiễm dịch tiết đường hô hấp, mớm hay chia sẻ thức ăn. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh từ người trong cùng gia đình từ 90-100%.
Gia đình có trẻ nhỏ hoặc em bé sơ sinh, tránh để em bé bị hôn môi, hôn má trẻ. Người chăm sóc cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
- Ho gà khác ho thông thường thế nào?
- Ho gà có triệu chứng khởi phát giống cảm, cúm thông thường, nên nhiều người cho rằng không nguy hiểm. Tuy nhiên, hai bệnh có mức độ khác nhau.
Trẻ ho do cảm lạnh thường chỉ nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng sốt nhẹ, chảy mũi, ngạt mũi và ho ở mức độ nhẹ, đáp ứng tốt với thuốc. Bệnh chỉ kéo dài 2-7 ngày.
Còn ho gà gây ho kéo dài, ho dữ dội kéo dài từ 2-6 tuần, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp khiến trẻ tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi. Trẻ thường ho về đêm, không đáp ứng thuốc ho. Bệnh có thể biến chứng viêm phổi, ngưng thở, co giật, bệnh lý não.
- Trẻ sơ sinh khỏe mạnh không mắc ho gà?
- Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong 6 tháng đầu đời, tất cả trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc và gặp biến chứng do ho gà cao nhất. Tại Mỹ, hầu hết ca tử vong do ho gà hàng năm dưới 3 tháng tuổi.
Trẻ càng nhỏ mắc ho gà, khả năng nhập viện điều trị càng cao. Trong số trẻ sơ sinh điều trị ho gà tại bệnh viện, cứ 5 trẻ thì có khoảng một trẻ bị viêm phổi và cứ 100 trẻ sẽ có có một trẻ tử vong. Các biến chứng khác bao gồm run dữ dội, ngừng thở và bệnh não.
- Trẻ dưới một tuổi lây bệnh từ đâu?
- Bệnh ho gà thường lây giữa những người sống cùng nhà. Bé dưới hai tháng tuổi có thể nhiễm bệnh từ cha mẹ, anh chị em, ông bà và những người thân khác. Theo thống kê, hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở ba tháng đầu đời.
- Vaccine ho gà cần thiết không?
- Nhiều người cho rằng bệnh ho gà không nguy hiểm hoặc chỉ tương tự những đợt trẻ viêm phổi thông thường, vì vậy không cần chủng ngừa hoặc phòng bệnh. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai.
Trước khi có vaccine, ho gà là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều gia đình. Bệnh nhi được mô tả "rất xanh xao, chết dần mòn trong cơn ho dữ dội hoặc nghẹt thở". Tạp chí Nature dẫn một số liệu thống kê đầu thế kỷ 20, cho thấy tỷ lệ tử vong trung bình là 10% ở trẻ em.
Đến đầu những năm 1980, việc đưa vaccine ho gà vào sử dụng đã làm giảm đáng kể số lượng ca nhiễm. Tỷ lệ mắc ho gà tại Mỹ giảm 150 lần.
Còn tại Anh, trước khi vaccine được đưa vào sử dụng vào những năm 1950, số ca nghi nhiễm trung bình là hơn 100.000 ca một năm và có những năm ghi nhận tới 2.000 ca tử vong. Năm 1972, hơn 80% trẻ em được tiêm vaccine, số ca nghi mắc giảm còn hơn 2.000, chỉ ghi nhận hai ca tử vong.
- Mẹ có thể phòng ho gà cho bé như thế nào?
- Theo Cục Y tế dự phòng, ho gà có thể diễn biến nặng và gây tử vong do bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng.
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện 5 biện pháp. Đầu tiên, gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine có thành phần phòng ho gà đầy đủ, đúng lịch. Cơ quan đầu ngành y tế dự phòng cũng khuyến khích tiêm phòng đối với phụ nữ mang thai.
Cùng với vaccine, gia đình thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Người lớn che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày.
Mọi người hạn chế tiếp xúc người mắc hoặc nghi mắc bệnh. Nếu tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và trang bị phòng hộ cá nhân. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải được nghỉ học, cách ly tại nhà, đồng thời liên hệ với đơn vị y tế địa phương để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa ho gà hiệu quả nhất là tiêm chủng. Vaccine có hiệu quả bảo vệ lên đến 98% khi chủng ngừa đúng lịch, đủ mũi. Hiện Việt Nam có loại phối hợp 5 trong 1 và 6 trong 1 có thành phần ngừa ho gà, lịch tiêm bốn mũi vào các tháng 2, 3, 4 và 16-18, trong đó một số loại trong tiêm chủng dịch vụ có thể được tiêm sớm khi 6 tuần tuổi.
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ giải đáp.