Tối 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt chân tới Đài Loan trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, bất chấp những cảnh báo gắt gao từ Bắc Kinh, cũng như phản đối từ trong chính đảng Dân chủ của bà.
Quân đội Trung Quốc trước đó đã cảnh báo sẽ "không ngồi yên" nếu bà tới Đài Loan. Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng chuyến thăm vào thời điểm này không phải ý tưởng hay, bà Pelosi, 82 tuổi, vẫn không thay đổi quyết định của mình.
Đây không phải lần đầu tiên trong sự nghiệp bà Pelosi thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Trong 35 năm làm nghị sĩ, qua nhiều đời chính quyền Mỹ, bà Pelosi vẫn luôn duy trì quan điểm này, dù nó nhiều lúc không được lòng các thành viên Dân chủ, hay bị coi là không có lợi cho mối quan hệ Mỹ - Trung, theo một số cựu đồng nghiệp.
"Bà ấy luôn bác bỏ quan điểm của nhiều người Mỹ rằng 'đừng chọc tức người Trung Quốc'. Bà ấy không quan tâm đến điều đó", Jeffrey Fiedler, người từng được bà Pelosi bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, nói.
Trong thời kỳ làm hạ nghị sĩ, bà Pelosi đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc. Bà đã phản đối sau khi cựu tổng thống George H.W. Bush thuộc đảng Cộng hòa phủ quyết dự luật lưỡng đảng để ràng buộc quy chế tối huệ quốc dành cho Trung Quốc, với yêu cầu nước này chứng minh nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền.
Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển.
Khi chính quyền tổng thống Bill Clinton tìm cách hạn chế ảnh hưởng của quốc hội đối với cuộc tranh luận về MFN vào năm 1993, Pelosi tiếp tục giữ lập trường cứng rắn. Fiedler cho hay thái độ kiên quyết của Pelosi chính là lý do khiến tổng thống Clinton không thể phớt lờ ý kiến của quốc hội.
"Nhiều người có lẽ cho rằng mối quan hệ giữa bà Pelosi và ông Clinton đổ bể vì bê bối thực tập sinh Monica Lewinsky. Nhưng lý do thực sự khiến quan hệ giữa hai người xấu đi là vấn đề Trung Quốc và bà ấy nghĩ tổng thống đã sai lầm", Steve Elmendorf, một nhà vận động hành lang Mỹ, nói.
Cuộc chiến tiếp theo giữa họ xảy ra vào cuối những năm 1990, khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập WTO, vấn đề gây rạn nứt nội bộ đảng Dân chủ. Bà Pelosi đã ký dự luật kêu gọi Mỹ rút khỏi WTO nếu Trung Quốc được kết nạp vào tổ chức.
"Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho sự thống nhất của đảng Dân chủ", bà Pelosi nói trong cuộc phỏng vấn năm 1999, khi chính quyền Clinton đồng ý về các điều khoản cho Trung Quốc gia nhập WTO. Bà thêm rằng ông Clinton đang tìm cách "cứu vớt chính sách sai lầm với Trung Quốc" để coi đây là "di sản của mình".
Theo thỏa thuận, bà đóng vai trò thúc đẩy quá trình thành lập ủy ban phối hợp giữa nhánh hành pháp và lập pháp về Trung Quốc, nhằm tiến hành giám sát quá trình Trung Quốc gia nhập WTO. Michael Wessel, cựu cố vấn nghị sĩ Mỹ, cho biết bà Pelosi đã liên tục tranh luận về vấn đề này và cuối cùng đã thành công trong việc "tạo dựng nền tảng đạo đức cho chính sách Mỹ để ứng phó với Trung Quốc".
Trong 20 năm qua, bà Pelosi từng nhiều lần phản đối Trung Quốc đăng cai các thế vận hội. Năm ngoái, bà kêu gọi Mỹ không cử quan chức dự Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh nhằm phản đối cái mà bà gọi là "vi phạm nhân quyền" của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này.
Bà năm 2019 thúc đẩy thông qua dự luật lưỡng đảng, áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chuyến đi của bà Pelosi lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi cả hai viện quốc hội thông qua dự luật trợ cấp sản xuất chất bán dẫn trong nước và đầu tư hàng tỷ USD vào đổi mới khoa học công nghệ, một cách để hạn chế giao thương và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Dù chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi nhận được ủng hộ các các thành viên lưỡng đảng, một nhóm chỉ trích vẫn cho rằng động thái này đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong tuyên bố ngay sau khi bà Pelosi tới Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chuyến thăm đã vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc", tác động nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Mỹ - Trung, cũng như xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney lưu ý rằng Mỹ không nên kích động Trung Quốc vào thời điểm Bắc Kinh thể hiện quan điểm hướng về phía Nga trong xung đột Ukraine.
Một số nhà chỉ trích cho rằng chuyến thăm Đài Loan chỉ đơn thuần là màn thể hiện của bà Pelosi trước khi kết thúc sự nghiệp chính trị. Bryce Wakefield, Giám đốc điều hành Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, đánh giá bà muốn tạo một động lực mới cho đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11. Nhưng bà có nguy cơ phản tác dụng vì Tổng thống Biden đã gửi thông điệp rất rõ rằng ông không hài lòng về chuyến thăm này. "Khi kiên quyết tới thăm Đài Loan, bà Pelosi gây ấn tượng rằng đảng Dân chủ đang chia rẽ", ông nhận định.
Trong khi đó, nhiều người từng làm việc với bà suốt nhiều thập kỷ lại nghĩ khác. "Tôi thấy đây là bước đi phù hợp với những gì bà đã thể hiện trong hơn ba thập kỷ qua. Tôi không cho rằng quan điểm của bà trong vấn đề này sẽ dừng lại, bất kể bước đường tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của bà thế nào", cựu nghị sĩ Michael Wessel nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)