Nhận định con trẻ là "tấm gương" phản ánh cha mẹ cũng không quá. Bởi thực tế giáo dục gia đình luôn là nền tảng đầu tiên, xuyên suốt chi phối tới sự trưởng thành và hình thành nhân cách mỗi người.
Kế đó mới xét tới nhà trường và xã hội. Hội chứng "con vua" xét đến cùng là hệ quả của việc nuông chiều con thái quá, thương con sai cách, thậm chí từ quan điểm giáo dục sai lạc mà thành.
Không ít bậc cha mẹ trải qua ấu thơ khó khăn, thiếu hụt về vật chất, khi có điều kiện không muốn con "cơ cực" chịu "vết xe đổ" như mình ngày trước, ngỡ tưởng rằng vật chất có thể bù đắp cho trẻ tất cả.
Lại có phụ huynh nghĩ, mình bận rộn, để con không "làm phiền", cứ giúi vào tay con iPad hay thiết bị thông minh nào đó, vậy là mình thoải mái lo việc khác.
Lại có người đề cao cảm xúc của trẻ thái quá, đến mức khi cái tôi con quá lớn, cảm xúc tiêu cực lấn át cũng không hay.
Những tác nhân nghe nhìn, qua mạng xã hội, các kênh truyền thông thiếu sự định hướng cũng vô hình làm lệch đi hành xử - nhân cách trẻ khi không được định hướng đúng đắn...
Ở thời đại mà điều gì từ người lớn cũng thái quá (quá ít thời gian để làm bạn với con, quá xem trọng vật chất, quá nhấn mạnh thể diện hay cái tôi...) thì hội chứng "con vua" song hành cùng "hội chứng con một" ắt là điều không khó để lý giải.
Để con trẻ đi đúng hướng, mỗi người lớn chúng ta nên tự sửa mình trước hết. Mọi lời giáo huấn không thể như "thân giáo" - qua hành xử, lời nói mà ngấm sang con.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.