Anh kể, đó không phải lần đầu cậu phản ứng như vậy. Chuyện về cha con anh xảy ra vài năm trước, khi tôi còn làm việc tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM. Người cha đăng ký khám tâm lý cho con, nhưng anh đến một mình vì "cháu không đồng ý đi cùng". Con anh được nuông chiều từ nhỏ. Và bây giờ ở tuổi vị thành niên, anh chị không kiểm soát nổi những yêu cầu của con.
Con anh sau đó đến cùng dì. Một bé trai 14 tuổi, cao hơn 1,7 m, xấp xỉ 80 kg. Trong suy nghĩ của cháu, những gì con muốn cha mẹ phải thực hiện.
Sau ba buổi gặp, cậu bắt đầu thổ lộ nhiều hơn. Cậu bảo "luôn cảm thấy dễ nổi giận với ba mẹ" và thường xuất hiện suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực khi đối diện với ba mẹ, nhiều hơn là với người khác. Còn hành vi chống đối của cậu không chỉ xảy ra với cha mẹ mà còn xuất hiện mỗi khi gặp việc trái ý ở trường. Cậu nổi giận khi thầy cô yêu cầu trả bài, vì "sao em phải đi học khi mà em muốn gì được nấy?". Cậu gây sự, đánh nhau với học sinh khác chỉ vì "nhìn mặt nó thấy ghét".
Cùng thời gian đó, chúng tôi tiếp nhận bé trai khác 10 tuổi được cả cha và mẹ đưa đến khám. Cháu thường xuyên đánh bạn. Có tuần, cháu đánh ba bạn bầm mắt, chảy máu mũi. Người cha không hiểu và không nghĩ con mình có vấn đề. Anh đi khám chỉ vì hiệu trưởng đề nghị chuyển con sang trường khác nếu tình trạng trên tiếp tục. Tôi nói chuyện riêng với người mẹ, chị kể chồng cũng thường đánh chị và dạy con bằng bạo lực từ nhỏ. Người cha xem hành vi bạo lực của con là bình thường nên không muốn thay đổi.
Trẻ em, bên cạnh một số rối loạn về phát triển và hành vi như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động kém chú ý... còn có rối loạn hành vi gây rối.
Rối loạn này thường được biết thông qua hai dạng: Rối loạn thách thức chống đối với biểu hiện đặc trưng là gây rối bằng lời nói như cãi lộn, trêu chọc người khác, chống đối, đổ lỗi cho người khác; Rối loạn cư xử, biểu hiện qua những hành động như bắt nạt, đánh nhau, đập phá đồ đạc, độc ác với người và con vật, lừa dối, trộm cắp. Những trẻ này không nhận thức được những hành vi gây rối là không phù hợp; hoặc nếu nhận ra cũng không có khả năng tự thay đổi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 2% - 10% trẻ em trong độ tuổi đi học có rối loạn hành vi gây rối, nếu không được xử trí phù hợp có thể trở thành tội phạm chống đối xã hội khi lớn lên. Một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến căn bệnh là cách dạy con không phù hợp.
Khi tôi viết bài "Bạo hành con ruột", vẫn có những phụ huynh không tin rằng kỹ thuật dạy con không bạo lực thực sự hiệu quả so với kỷ luật bằng đòn roi. Đòn roi có thể hiệu quả ngay lập tức, nhưng hậu quả lâu dài và rất khó lường. Mức độ lỳ đòn của trẻ sẽ tăng theo năm tháng. Những kiểu mẫu cư xử bạo lực của phụ huynh có thể trở thành bản sao mà trẻ sẽ cư xử với người khác hoặc dạy con mình sau này. Ở khía cạnh khác, cách đối xử bạo lực của cha mẹ cũng để lại những di chứng tâm lý cho con. Nhiều người già rồi vẫn còn mang đau đớn tinh thần bởi bạo hành thời thơ ấu.
Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy hình thức dạy con khắc nghiệt vẫn khá phổ biến. Một khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2014 trên 10.000 phụ huynh cho biết, chỉ 15% phụ huynh cho rằng cần phải sử dụng la mắng và đòn roi, nhưng gần 70% đã sử dụng những hình thức này trong vòng một tháng trước thời điểm khảo sát. Tôi tự thực hiện một khảo sát riêng năm 2019 với 365 người và thấy, 90% phụ huynh đã la mắng, 80% đánh con ít nhất một lần.
Ngược lại, vẫn có những phụ huynh nhầm lẫn giữa cách dạy con không bạo lực và sự nuông chiều. Làm theo ý muốn của trẻ mà không đặt ra giới hạn cũng có thể tạo ra những đứa trẻ có hành vi gây rối, gọi là "hội chứng con vua".
Dạy con bằng kỹ thuật không bạo lực được hình thành trên lập luận của ngành tâm lý và bằng chứng khoa học. Các chương trình huấn luyện cho phụ huynh những kỹ thuật này như Positive Parenting Program - Triple P (tạm dịch: Chương trình dạy con tích cực - ba chữ P) của Australia, Incredible Years (Những năm diệu kỳ), Parent Management Training - Oregon Model (Huấn luyện kỹ năng quản lý cho phụ huynh - Mô hình Oregon), Parent-child Interaction Therapy (Trị liệu tương tác phụ huynh và con) của Mỹ đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm hành vi gây rối ở trẻ, cải thiện kỹ năng dạy con không bạo lực, sự tự tin và sức khỏe tinh thần của phụ huynh.
Con cái, dù ở bất kỳ tuổi nào, vẫn cần giáo dục nếu chưa biết thế nào là hành vi phù hợp. Dù được khen khi hành xử đúng, trẻ vẫn cần bị phạt khi có hành vi không mong đợi. Nhưng thay vì đánh đòn hay la hét, việc phạt con sẽ tập trung vào cách lấy đi hoặc giảm bớt những nhu cầu trẻ đang có. Mục tiêu ưu tiên của phương pháp này là tạo cho trẻ nhiều hành vi tốt; từ đó, chuỗi hành vi không mong đợi tự mất đi.
Vô số "bí kíp" dạy con đang được quảng bá nhiều nơi nhưng khó kiểm chứng. Ta cũng dễ dàng mua các loại sách về cách dạy con của người Nhật, người Do Thái... nhưng câu hỏi là có thích hợp và hiệu quả thực sự với văn hóa Việt? Tôi nghĩ rằng, không bao giờ thừa khi duy trì nền tảng "Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín" trong văn hóa Việt Nam với "nghề" dạy con. Bên cạnh đó, ta tôn trọng và chấp nhận suy nghĩ khác biệt, từ đó khơi gợi sự tự tư duy và chọn làm điều đúng ở trẻ.
Dạy con cũng là hành trình tự sửa mình của người lớn.
Phạm Minh Triết